Doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước
Phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, mà trong đó nòng cốt là khối kinh tế tư nhân.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này.
"Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nhân, của khối kinh tế tư nhân. Đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.
Thủ tướng lấy dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc. Nếu tính tổng nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ trong quá khứ nhưng vẫn chiến thắng nhờ nội lực vững mạnh, phát huy điểm mạnh của mình.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng Thủ tướng nhận định vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân doanh nghiệp. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó là lòng yêu nước. Các doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững.
"Có nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Đó là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới. Thông qua diễn đàn này, Việt Nam sẽ chắt lọc được nhiều ý tưởng tinh túy, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng nói.
Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc.
"Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn", ông nói.
Thủ tướng cũng dùng 10 từ cho khu vực kinh tế tư nhân đó là " tạo bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội".
Nói về bình đẳng, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là kinh tế tư nhân được bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế, nhất là tiếp cận nguồn lực.
Được bảo vệ về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và nhiều quyền khác. Giảm chồng chéo tầng lớp trong thanh, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển.
Được khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Một câu hỏi được đặt ra với Thủ tướng là với việc hòa mình vào dòng chảy 4.0, ý tưởng mới có thể thay đổi mô hình kinh tế truyền thống, Chính phủ có nhiều hành động để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về phát triển kinh tế số. Để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Thủ tướng và Chính phủ có quyết sách nào để ý tưởng khởi nghiệp nghiệp phát triển mạnh hơn?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như doanh nghiệp trẻ về đổi mới.
"Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn", ông nhận định.
Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh, có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công, Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư.
Về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường, cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.