Ông Nguyễn Văn Thành ở xóm 2A, xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn bì bõm lội ruộng với những bụi lúa đang xanh nằm bẹp dưới nước buộc 5-6 bụi chụm lại với nhau để cây đứng lên.
“Nhà tôi làm được 6 sào lúa, gần được thu hoạch đến nơi thì mưa dông kèm lốc đã làm gãy đổ cả. Ruộng thấp, nước ngập 30-40 cm nếu để ngâm dưới nước thì hỏng mất. Lúa đang xanh nếu để ngâm trong nước thì sợ thối mất mà buộc dựng từng bụi thì không biết khi nào mới xong” - quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Thành cho biết.
Để hạn chế thiệt hại, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thống kê diện tích bị đổ gãy, hướng dẫn bà con nông dân buộc dựng lại những ruộng lúa đang xanh. Đối với diện tích đã chín từ 70% thì khẩn trương thu hoạch để hạn chế lúa nảy mầm trên ruộng ảnh hưởng đến năng suất.
Ở Đô Lương, dông lốc cũng làm cho 350 ha lúa đã chín của bà con nông dân bị đổ. Nhiều nhất là các xã Trù Sơn, Văn Sơn…
Ngay sau khi mưa ngớt, bà con nông dân đã ra đồng kiểm tra và tổ chức buộc lúa thành từng cụm để tránh ngập nước và mọc mầm, đồng thời tháo kho nước trên ruộng.
Điều đáng nói hiện nay đó là, nhiều diện tích lúa đã chín rộ hoặc chín trên 90% nhưng nhiều bà con nông dân vẫn chần chừ trong thu hoạch. Việc thu hoạch lúa xuân chậm có thể gặp mưa bão lớn, ảnh hưởng đến năng suất và chậm thời vụ sản xuất hè thu.