Nghiên cứu hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch.

(Ông Võ Hồng Sáng - Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An).

Kế hoạch khôi phục, mở cửa các hoạt động du lịch của Nghệ An đã ban hành hơn 1 tháng nhưng việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về phía doanh nghiệp. Cuộc sống đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới” người dân trong tỉnh vẫn còn e ngại và chưa sẵn sàng cho việc đi du lịch.

Trong khi đó, người dân các tỉnh, thành phố trong nước đã khởi động những chuyến tham quan, trải nghiệm và khám phá để thư giãn tinh thần sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Chúng tôi mong được các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tình trạng “bình thường mới”, sẵn sàng cho những chuyến du lịch, từ đó tạo điều kiện cho các hoạt động nhanh chóng phục hồi và phát triển.

bna_13880638_7122021.jpg

Cùng với đó, Nghệ An đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng liên kết để thu hút du khách về với Nghệ An. Bởi hiện nay, nhiều địa phương đã đón được lượng khách du lịch khá lớn như Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa và Kiên Giang. Ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh mấy tháng trước đang là “tâm dịch”, nay cũng đã đón khách các tỉnh, thành phố trong nước.

Tìm giải pháp đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện "bình thường mới" là vấn đề thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Qua đây, tôi cũng mạnh dạn kiến nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch trong khoảng thời gian cần thiết để phục hồi. Hoặc có lộ trình tiết giảm chi phí gắn với quá trình và mức độ phục hồi, tập trung vào các biện pháp như: giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian nhất định, hoãn đóng và giảm đóng BHXH, đặc biệt là trong giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành Du lịch...

Xây dựng sản phẩm đặc thù để thu hút khách du lịch.

(Bà Vi Thị Thắm - Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Pha Lài).

Trong gần 2 năm qua, hoạt động kinh doanh du lịch gần như bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người lao động. Nay đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch phục hồi, mở cửa các hoạt động du lịch. Cũng như nhiều đơn vị khác, trong quá trình khôi phục hoạt động, công ty chúng tôi gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được sự hỗ trợ của tỉnh và của ngành Du lịch.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là nguồn vốn và nhân lực. Qua thời gian dài bị “đóng băng”, hiện nay nguồn vốn đã cạn kiệt, lực lượng lao động phần lớn đã tìm việc làm khác. Vì vậy, UBND tỉnh và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chương trình vay vốn trung và dài hạn để tạo đà cho quá trình phục hồi, phát triển.

Đồng thời, ban hành cơ chế kết nối, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở du lịch tại các địa phương, nhất là ở các huyện miền Tây. Với các điểm du lịch cộng đồng cần hướng dẫn cho bà con cách làm, cách vận hành quá trình hoạt động đảm bảo tính khoa học. Đội ngũ phục vụ phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Các địa phương cũng cần mời chuyên gia tư vấn trong việc hình thành, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh sự trùng lặp, đơn điệu khiến du khách dễ nhàm chán, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Tạo “luồng sinh khí” mới và ổn định tâm lý cho người làm du lịch.

(Ông Nguyễn Huỳnh Sương - Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương Travel).

Thời gian qua, với sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân, đại dịch Covid-19đang dần lắng xuống. Trước mắt, chúng ta chưa thể dập tắt hoàn toàn nên xác định chung sống với đại dịch, thích ứng linh hoạt, an toàn trong đời sống cũng như sản xuất, kinh doanh. Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, ngành Du lịch đã bắt đầu có chuyển biến mới, tuy chưa thật sự rõ rệt.

Dưới góc độ người kinh doanh lữ hành, theo tôi để các hoạt động du lịch sớm được phục hồi, lãnh đạo tỉnh và Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, vận tải du lịch giảm với mức tối đa 5%; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn không cần thế chấp tài sản với mức lãi suất ưu đãi, giảm tiền bảo hiểm cho doanh nghiệp lữ hành để tạo động lực thúc đẩy quá trình phục hồi.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chỉ đạo xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình kích cầu sâu rộng để trước mắt người dân Nghệ An đi du lịch nội tỉnh. Nên tổ chức hội nghị kích cầu du lịch trong thời gian sớm nhất để tạo luồng sinh khí mới, ổn định tâm lý cho những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.

Việc khôi phục hoạt động du lịch nội tỉnh đạt hiệu quả sẽ hướng tới mở cửa du lịch ngoại tỉnh và đón khách quốc tế tùy theo tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Nếu được tạo điều kiện hỗ trợ cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt chắc chắn hoạt động kinh doanh du lịch Nghệ An sẽ sớm trở lại nhịp sống sôi động, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.