Theo quy định của Nghị định 26, ngày 8/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 1/7/2019, những tàu cá trên 24m phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ thẻ vàng cho Việt Nam về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Số liệu của Chi cục Thủy sản cho biết, Nghệ An hiện có 3.521 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 1.089 tàu từ 15 đến 24m và 234 tàu có chiều dài từ 24m trở lên.
Nhưng đến thời điểm tháng 4/2019, cả tỉnh mới có 8 tàu có chiều dài trên 24m được gắn thiết bị giám sát hành trình. Với tiến độ như vậy là chậm, bởi thời gian từ nay đến 1/7 không còn nhiều.
Sau ngày 1/7, những tàu cá có chiều dài theo quy định, nếu không gắn thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản sẽ không cấp giấy chứng nhận khai thác hải sản, đồng nghĩa với các cơ quan chức năng sẽ cương quyết không cho ra khơi sản xuất.
Để đẩy nhanh tiến độ gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định, ông Nguyễn Chí Lương - Chi Cục Trưởng Chi Cục Thủy sản cho rằng: Thời gian này, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu theo quy định.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký đánh bắt đúng theo quy định, bởi trình độ dân trí của một bộ phận bà con ngư dân còn nhiều hạn chế.
Ngày 8/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26 quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020.