Trong số các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và bị tác động mạnh do đại dịch. Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai chính sách ở một số địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời, sự thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiếp cận.
Chính sách nhân văn
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 và đang tiếp tục có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Người lao động và người sử dụng lao động đều lao đao, khốn khó vì dịch.
Tại Nghệ An, trong năm 2021, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã phải ban hành nhiều quyết định giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động nhiều dịch vụ không thiết yếu tại nhiều địa phương để phòng, chống dịch. Có thời điểm, người dân ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh được yêu cầu không ra khỏi nhà; nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, người dân mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống càng trở nên khó khăn bội phần.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 7 ngày sau, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là chính sách nhân văn, được kỳ vọng như là "phao cứu sinh" cho người lao động và chủ sử dụng lao động trong bối cảnh nguồn thu nhập và quỹ lương chịu ảnh hưởng rất lớn do mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bị đình trệ và đứt gãy.
Để chính sách được sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 386 triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 với mục tiêu góp phần ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Đặc biệt, ngày 9/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-UBND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chia sẻ với nhóm lao động tự do yếu thế, dễ bị tác động bởi đại dịch.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành: “Đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không trùng lắp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách... tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiếp cận chính sách”. Thời gian từ khi người lao động nộp đơn tại ban cán sự của khối, xóm đến khi nhận tiền hỗ trợ không quá 18 ngày.
Trên tinh thần đó, sau gần 5 tháng triển khai, tính đến ngày 26/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định hỗ trợ cho 72.886 lượt đối tượng với kinh phí hơn 106,732 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng, đối tượng đặc thù theo Quyết định số 22 của UBND tỉnh chiếm nhiều nhất, với 48.784 lượt, kinh phí hơn 73,1 tỷ đồng. Các đối tượng như: Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế được và hàng chục ngàn người lao động, doanh nghiệp nhờ được hỗ trợ đã ổn định đời sống, có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Triển khai chậm, kết quả chưa cao
Đã hơn 2 tháng sau khi nộp đơn cho xóm trưởng đề nghị hỗ trợ, nhưng ông Nguyễn Văn Cường (SN 1969), trú xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Đất nông nghiệp bị thu hồi, nhiều năm nay ông Cường đi làm thợ xây, thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Trong đợt dịch lần thứ 4, ông phải nghỉ việc gần 1 tháng, thu nhập không có khiến cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn.
“Khi biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những lao động làm nghề thợ xây, tôi rất vui mừng và làm đơn theo quy định. Nhưng đến nay không thấy ai gọi lên nhận tiền hỗ trợ, mà cũng không biết có được hỗ trợ hay không”.
Không chỉ riêng ông Cường, ở xã Hưng Tây đang có hàng ngàn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn chưa tiếp cận được chính sách. Họ cảm thấy hụt hẫng, có người bức xúc, bởi khi họ đang ở giai đoạn khó khăn nhất, cần hỗ trợ thì không có.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Thăng Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho rằng: Việc xác định đối tượng là lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất khó, vì số đối tượng lớn. Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng ban cán sự các xóm vì nể nang nên nhận nhiều đơn đề nghị hỗ trợkhông đúng đối tượng của người dân. Hiện xã Hưng Tây vẫn đang tiếp tục rà soát lại 1.447 đối tượng lao động tự do đã được rà soát ở cấp xóm. Tuy nhiên, khi được hỏi về quy trình thực hiện thủ tục, hồ sơ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây khẳng định không có vướng mắc gì. Dù vậy, đến nay ở xã Hưng Tây vẫn chưa có bất cứ người lao động tự do nào được nhận tiền hỗ trợ.
Huyện Hưng Nguyên là địa bàn giáp ranh với TP. Vinh, nơi mà nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi nhường cho việc xây dựng nhà máy, KCN; mỗi ngày có hàng ngàn người lao động ở các xã rời nhà vào thành phố để mưu sinh với đủ nghề. Khi TP. Vinh áp dụng Chỉ thị 16, rồi Chỉ thị 16 nâng cao, những người này bắt buộc phải ở nhà, nguồn thu nhập bị cắt. Nhưng đến nay, TP. Vinh đã “mở cửa”, nhiều người đã quay trở lại công việc hàng ngày nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-UBND tỉnh. Lý giải cho tình trạng đối tượng lao động tự do trên địa bàn huyện chưa được hỗ trợ, đại diện phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Nguyên trả lời: “Chưa thấy xã nào nộp hồ sơ lên”.
Không chỉ huyện Hưng Nguyên, mà đến nay TX. Cửa Lò cũng chưa phê duyệt đối tượng lao động tự do theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 22 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, có 6 địa phương chưa phê duyệt hỗ trợ đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 12 địa phương chưa phê duyệt hỗ trợ đối tượng người lao động ngừng việc; 6 địa phương chưa phê duyệt hỗ trợ đối tượng trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; 9 địa phương chưa phê duyệt hỗ trợ đối tượng hộ kinh doanh.
“Việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg, Quyết định số 22/QĐ-UBND tỉnh đã được quan tâm nhưng tiến độ thực hiện tại một số địa phương quá chậm. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mới quy định một số đối tượng gặp nhiều khó khăn, chưa bao phủ hết tất cả các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng”.
Lấy ví dụ ở huyện Hưng Nguyên để thấy rằng, nguyên tắc đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng vẫn chưa đạt hiệu quả như Chính phủ, UBND tỉnh đề ra. Trách nhiệm của tình trạng này, trước hết thuộc về chính quyền cơ sở và bên cạnh đó có cả trách nhiệm của các sở, ngành liên quan. Đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP; Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 22/2021/QĐ-TTg. Trong khi tỉnh chưa ban hành Kế hoạch hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg thì Quyết định số 22/QĐ-UBND tỉnh đến ngày 30/12/2021 sẽ hết hiệu lực...
(Còn nữa)