(Baonghean) - Nói về lớp trẻ, chủ nhân của tương lai, có một câu chuyện như thế này. Cách đây mấy nghìn năm, khi được đề nghị đánh giá về lớp người trẻ kế cận, nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng nhất mọi thời đại Sokrates đã nói, đại ý là lớp trẻ hiện hư hỏng, kém cỏi, dốt nát, thiếu ý chí và lười suy nghĩ hơn thế hệ đi trước. Họ sẽ làm hỏng tương lai và thế giới sẽ lụi tàn đi. Thế nhưng, thực tế hàng nghìn đời qua đã chứng minh nhận xét đó là không chính xác. Thế giới không những không lụi tàn đi, mà tiếp tục phát triển và càng về sau càng rực rỡ hơn trước.
Kể lại câu chuyện đó để thấy có một thực tế là lớp người đi trước, kể cả những người thông thái như nhà triết học nói trên, luôn có cái nhìn nghi ngại, khắt khe. Thậm chí đôi lúc là hoài nghi, thiếu tin tưởng về những người kế cận, tức là thế hệ trẻ. Khi chiến tranh kết thúc, trong niềm vui hòa bình, người ta càng tự hào bao nhiêu về một thế hệ trẻ anh hùng, gan dạ, tài trí, thông minh và rất vững vàng vì được thử thách, rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt của chiến tranh thì lại càng lo ngại thế hệ kế cận, không phải trải qua những thử thách sinh tử trong chiến trường sẽ trở nên thiếu ý chí.
Vì thế mà thiếu tin tưởng giao việc cho lớp trẻ. Dẫn đến, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng thiếu vắng những người trẻ có tài năng. Cơ hội để lớp trẻ thể hiện và khẳng định mình ở những vị trí quan trọng trong bộ máy ngày càng khó khăn hơn. Mà nguyên nhân chủ yếu là do họ ít được tin tưởng, giao việc.
Nước Việt Nam ta không thiếu những người trẻ thông minh, tài giỏi khi được tin tưởng trao giữ trọng trách đều làm nên nghiệp lớn. Trong truyền thuyết thì có Thánh Gióng, mới lên ba tuổi đã được nhà vua tin tưởng cho làm tướng tiên phong và đã dẹp tan giặc Ân. Nguyễn Hiền mới 12 tuổi đã đỗ trạng và được tin dùng trong triều đình. Hay Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản lứa tuổi thiếu niên nhưng đã là một tướng tài.
Đến sau này, thì nước ta có Trần Phú, mới 26 tuổi đã được giao trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng, hay Võ Nguyên Giáp ở tuổi 37 tuổi đã được phong hàm Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đã trở thành vị tướng nổi tiếng thế giới. Điểm chung là, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng khi được tin tưởng, giao nắm giữ trọng trách họ đều có những đóng góp quan trọng và đều trở thành những nhân vật lừng danh trong lịch sử nước nhà, được nhân dân tin yêu, mến phục.
Dĩ nhiên, sự nghi ngại đối với lớp trẻ không phải là cái nhìn phiến diện, một chiều của người lớn, người già, của thế hệ đi trước mà có phần lỗi từ lớp trẻ. Không ít người trẻ hôm nay sống thụ động, quen hưởng thụ, thiếu rèn luyện, thiếu ý chí vươn lên.
Có một bộ phận không nhỏ sa vào lối sống gấp, ăn chơi, hưởng lạc khiến xã hội phải kinh hoảng và dư luận liên tục gióng lên những hồi chuông báo động về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận lớp trẻ.
Nhưng đó chỉ là một dòng nước đục trong vô số dòng trong. Họ không tiêu biểu, không đại diện cho lớp trẻ ngày nay. Phần lớn thế hệ trẻ của nước Việt ta vẫn thừa hưởng và phát huy được những ưu điểm của thế hệ đi trước. Hơn thế nữa, lớp trẻ hôm nay được đào tạo bài bản, được sớm tiếp xúc với thế giới văn minh bên ngoài nên được trang bị và tự trang bị khá đầy đủ sự hiểu biết, kiến thức ở các lĩnh vực và cũng tràn đầy khát khao được thử thách để khẳng định và cống hiến.
Nếu được tin tưởng, giao phó những vị trí, những công việc quan trọng, cùng sự dìu dắt, giúp đỡ chí tình của những người có kinh nghiệm chắc chắn họ cũng sẽ làm tốt chẳng kém gì các thế hệ đi trước. Đương nhiên là không thể tin tưởng, giao việc một cách tràn lan, dễ dãi mà phải trải qua một quá trình theo dõi và một thời gian rèn luyện, thử thách nhất định, chọn lựa ra những người ưu tú nhất rồi mới giao việc.
Tóm lại, để lớp trẻ nhanh chóng trưởng thành và tiếp nối được thế hệ đi trước, điều quan trọng nhất là phải đặt niềm tin vào lớp trẻ.
Duy Hương