(Baonghean) - “Thôi, đường mô nỏ rứa, bỏ phiếu kín mần chi, giơ tay biểu quyết cho nó nhanh, anh em còn phải “chuột rút” về đón con nữa. Trưa rồi, đề nghị ban bầu cử phiên phiến đi cho”. Một phát biểu “nói ngang” nhưng “thấm đẫm” tinh thần mình vì mọi người xuất hiện trong cuộc bầu cử nội bộ của cơ quan nọ.
Điều đáng nói là, vẫn như mọi bận, phát ngôn này lập tức nhận được hưởng ứng từ hai mươi bảy đại biểu tham dự cuộc họp. “Đúng đó, phiên phiến đi”, vài người xì xào nói đế. Trưởng ban bầu cử liếc nhìn chủ tọa thăm dò. Vị chủ tọa nở nụ cười hiền như… thủ trưởng, gật đầu “Ừ, thôi thì phiên phiến đi”. Kết quả “kiểm phiếu” sau đó tất nhiên là thành công rực rỡ với tín nhiệm 100% dành cho ứng cử.
Thưa bạn đọc, đấy là một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện mà chúng ta rất có thể gặp ở đâu đó. Chữ “phiên phiến”, có thể nói là hội chứng phiên phiến đang âm thầm phổ cập.
Phiên phiến là từ thường được sử dụng trong trường hợp không yêu cầu phải đầy đủ như bình thường, nghĩa là chỉ cần đạt đến mức nào đó coi như là xong, là được. Ngược lại với phiên phiến là sự cầu toàn, kỹ càng, chặt chẽ, nguyên tắc và chính xác.
Trong cuộc sống, ở một vài trường hợp cụ thể, đôi khi người ta cũng có thể “phiên phiến” để hạn chế sự soi xét hay cầu toàn thái quá. Hồi còn công tác ở cơ sở, tôi nhớ mỗi khối xóm đều có một vị “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” gọi là trưởng thôn. Các vị này do dân lựa chọn, (tất nhiên vài nơi cũng chỉ bầu phiên phiến). Trong số ấy có vị là cán bộ hưu trí, nhưng có người thì lại là nông dân, thậm chí cũng không thiếu cả những vị làm thợ nề, kết hợp chạy xe ôm… Nhìn chung “việc làng” thì ai cũng tích cực, ai cũng đôn đáo lo toan. Nhưng khổ nỗi, ngoài mấy bác “tướng về hưu” ra thì số còn lại đều rất ngại làm báo cáo. Đã thế theo quy định thì mỗi tháng xóm lại phải tổng hợp tình hình trên địa bàn lên cho cán bộ văn phòng xã một lần. Ngại viết lách nên nhiều đồng chí cũng “quên”. Thấy tình hình “căng”, cán bộ văn phòng xã có ý kiến “đề nghị các bác trưởng thôn khi báo cáo lên xã chỉ cần gạch đầu dòng, tập trung các số liệu, đầy đủ và chính xác là được. Không nhất thiết phải bài bản, văn phong bố cục thì cứ phiên phiến thôi”. Vâng, có lẽ cán bộ văn phòng xã đã đúng khi sử dụng chữ phiên phiến. Trong trường hợp này mà cứ đòi hỏi sự cầu toàn thì “có lẽ không phải”.
Tuy nhiên, ngày nay chữ “phiên phiến” có vẻ như đã được khai thác một cách triệt để, thậm chí thái quá nếu không muốn nói là bị lợi dụng. Hình như ở đâu cũng có phiên phiến và việc gì người ta cũng có thể phiên phiến. Đầu tiên là họp phiên phiến, đến phát biểu cũng phiên phiến. Đánh giá thi đua phiên phiến, xét kỷ luật cũng phiên phiến. Kiểm điểm phiên phiến, tiếp thu cũng phiên phiến. Kế hoạch phiên phiến, báo cáo cũng phiên phiến. Chất vấn phiên phiến, giải trình cũng phiên phiến. Quy định phiên phiến, chấp hành cũng phiên phiến. Phiên phiến tất!
Phiên phiến đã trở thành khẩu ngữ thường trực. Người ta lẫn lộn trong cái giới hạn rối rắm mà chính họ là tác giả. Họ không còn đủ tỉnh táo hoặc thái độ để nhận ra cái gì thì có thể chấp nhận phiên phiến và cái gì thì không nên, không thể, không được phép phiên phiến. Họ còn tìm ra mọi lý lẽ bùi tai hòng “che chở” cho cái gọi là hội chứng phiên phiến kia. Thậm chí ai sùng bái phiên phiến còn được coi là típ người “dễ sống”. Người ta vô tình cổ xúy cho một lối sống, một tác phong làm việc xuề xòa, cẩu thả, dễ dãi, vô cảm, phi nguyên tắc, thiếu trách nhiệm… Nó tất nhiên rất ngược chiều với những gì thuộc về văn minh công nghiệp. Hậu quả của nó là đồ thị đi ngang thậm chí đi xuống của tinh thần cũng như kết quả công việc.
Chính vì xử lý phiên phiến nên mới có nhiều người coi thường kỷ luật. Chính vì chấm điểm phiên phiến mới làm thui chột động lực thi đua. Chính vì số liệu phiên phiến nên chả ai thèm tin. Chính vì phát biểu phiên phiến nên không ai thèm nghe. Ví dụ thì nhiều lắm! Ấy vậy mà, khổ thân cho một vài nhân vật muốn nói không với phiên phiến đã liền bị coi là lập dị, là phá đám là “lội ngược dòng”… xu thế! Điều đáng lưu ý là trên hành trình tìm sự phiên phiến ấy, hình như càng đi về phía cơ sở thì sự hiện diện của phiên phiến càng… sôi động. Xóm bình xét gia đình văn hóa phiên phiến gửi lên xã, xã tổng hợp phiên phiến gửi lên huyện… cứ thế và cứ thế. Không chỉ một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực, không chỉ một đơn vị mà nhiều đơn vị, không phải một lần mà nhiều lần. Giờ đây, nếu ai đó thử lùi lại để mở rộng tầm quan sát, biết đâu sẽ thấy cái khối phiên phiến ấy đang phổng phao dần lên theo hình kim tự tháp!
Từ năm 1947, trên thế giới người ta đã thành lập ra Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization; viết tắt: ISO). Ở nước ta, trong những năm gần đây, không ít cơ quan đơn vị đã áp dụng theo chuẩn của ISO và cho kết quả hết sức tích cực. Ít nhất ở một số lĩnh vực không ai có thể phiên phiến thoải mái được.
Tất nhiên, ISO không phải là thứ dễ xài, phạm vi ứng dụng của nó cũng chưa thể chiến thắng được sự ngổn ngang của thực trạng. Trong muôn hình muôn nẻo của cuộc sống, để chống lại “con bệnh” này, có lẽ cần nhất là sự thay đổi về ý thức và trách nhiệm trước vấn đề của mỗi một cá nhân. Không chỉ tự giác mà còn phải khắt khe đặt mình vào khuôn khổ. Đành rằng, mọi cơ quan, đơn vị, hệ thống cần phải tiêu chuẩn hóa, tuy nhiên thật khó để thành công nếu mỗi một chúng ta không tự tiêu chuẩn hóa thái độ của chính mình. Đây chắc có lẽ còn là một câu chuyện dài và nan giải, cuối tuần, xin mạn phép phiên phiến mấy điều vậy thôi!
Nguyễn Khắc An