(Baonghean) - Khi chơi cờ tướng, lúc gặp nước cờ bí, không biết nên đi nước nào, vì cách đi nào cũng có tổn hại cho quân của mình hoặc không có lợi cho thế trận mà mình đang sắp đặt. Người chơi cờ thường đi quân tốt, một quân cờ ít giá trị nhất trên bàn cờ. Để may ra “gặp thời một tốt cũng thành công”, còn nếu bị mất đi thì thiệt hại không đáng kể và ít ảnh hưởng đến thế cờ. Vì thế, mới có câu tục ngữ “Cờ bí thí tốt”.
 
images1145873_35.45.jpgTranh minh họa

Đó là kinh nghiệm từ xưa đến nay của người  chơi cờ tướng và cũng thành kinh nghiệm, phương châm xử lý  trong cuộc sống của người đời khi lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đặc biệt là với những người hoạt động trên chính trường. Sở dĩ nhắc lại câu nói phổ biến và rất quen thuộc này là vì trong mấy ngày gần đây, diễn ra một số việc mà cách xử lý đã được  tính toán, cân nhắc theo đúng phương châm xử thế cổ truyền đó.

Đầu tiên là việc một nữ y tá bị Bệnh viện K “cắt hợp đồng”, nói thẳng ra là đuổi việc sau khi một clip ngắn được tung lên mạng cho thấy một bệnh nhân (mà cũng có thể là người nhà bệnh nhân) oang oang tố là bị y tá vòi tiền. Đoạn clip chỉ có thế. Còn hành vi vòi tiền của nhân viên y tế  thì không một ai được chứng kiến. Vì thế, sự thật như thế nào thì chỉ có hai người đó biết mà thôi. Với lại, chuyện xảy ra cũng khá lâu rồi và nay mới phát lộ. Ngay khi phát hiện ra clip, Bộ trưởng Y tế liền chỉ đạo làm rõ địa chỉ xảy ra vụ việc và cho thôi việc người có hành vi vòi tiền. Gần như ngay tức khắc, mọi việc diễn ra răm rắp đúng y như lời chỉ đạo.

 
Dư luận, một số rất hoan nghênh thái độ nghiêm khắc cũng như cách xử lý kiên quyết đối với hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu người bệnh đó. Nhưng một số lại dè dặt và có phần nghi ngại khi sự việc được giải quyết quá nhanh. Nhanh và quyết liệt một cách bất thường. Từ nghi ngại dẫn đến nghi ngờ, liệu có phải để giữ uy tín của ngành và để thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ thầy thuốc vốn có nhiều tai tiếng trong thời gian qua mà người ta buộc phải làm vậy? Còn bệnh viện, để giữ hình ảnh cũng như để yên thân trước búa rìu dư luận nên cũng đành “thí tốt”? Bởi thế, một bác sỹ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã “lên phây” cay đắng, ngậm ngùi kể lại chuyện của mình như sau: “Chưa biết quyết định của Bộ trưởng đúng đắn đến mức nào nhưng thấy cuộc sống của các cán bộ y tế còn đang làm việc cho các bệnh viện nhà nước thật là bấp bênh, họ dễ dàng trở thành con tốt thí. Nghĩ lại chuyện xảy ra với mình một vài tháng trước giờ vẫn còn run.
 
Đến cuối ngày, khám một bệnh nhân bị đái tháo đường gần như cuối cùng, khi xem lại đơn thuốc đồng nghiệp khám tháng trước để tham khảo liều lượng insulin bệnh nhân đang sử dụng thấy ghi: "Liều lượng xem trong sổ y bạ", mở sổ y bạ của bệnh nhân thì ghi: "Xem đơn in", hỏi bệnh nhân đang tiêm liều lượng như thế nào thì bệnh nhân nói không biết (?). Bó tay. Nhìn bệnh nhân đã gần 70 tuổi, mắt mũi kèm nhèm, sụp mi do biến chứng đái tháo đường thì muốn cho vào viện nhưng bệnh nhân không chịu nên đành chọn loại bút tiêm insulin dễ sử dụng nhất và kê liều tương đối an toàn cho bệnh nhân nhưng bà ta nhất định không chịu mà đòi đúng loại thuốc trước đây bà ấy dùng (loại không còn trong bảo hiểm). Khuyên giải bệnh nhân ra lấy thuốc rồi mang vào sẽ hướng dẫn sử dụng mà bệnh nhân không nghe rồi vùng vằng bỏ đi vừa nói: "Đồ bác sỹ vô đạo đức, đồ lương y mất dạy,...".
 
Mình và các nhân viên khác cùng há hốc mồm kinh ngạc và uất ức. May bà này không gọi đường dây nóng cho Bộ trưởng, nếu không thì có khi tiêu rồi”. Và khi trả lời các bình luận, vị bác sỹ này nói thêm: “Điều tôi muốn nói là lãnh đạo cần phải cân nhắc thấu đáo khi xử lý nhân viên vì có những phản ánh không hoàn toàn đúng đâu. Ví dụ như bà bệnh nhân trong câu chuyện của tôi, nếu bà ta gọi điện thoại cho Bộ trưởng thì anh có không sai cũng bị thí tốt”.
 
Nhưng dù sao chuyện đó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khiến dư luận nghi ngờ chứ không dám quả quyết là có chuyện “cờ bí, thí tốt” như việc kỷ luật cán bộ trong vụ “thảm sát” cây xanh ở Hà Nội. Rõ ràng là khi được hỏi về vấn đề này, ông Phó trưởng  Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, cải tạo, thay thế cây xanh là chủ trương đúng được thực hiện theo Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố xây dựng kế hoạch cải tạo thay thế cây xanh năm 2015 và báo cáo Thường vụ Thành ủy thông qua và được phê duyệt bằng Quyết định của UBND thành phố. Thế nghĩa là việc chặt cây là có kế hoạch và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
Vậy mà khi vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân Thủ đô và cả nước, người ta liền tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách trực tiếp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Tạm đình chỉ công tác trưởng phòng, phó trưởng phòng, cán bộ, công chức liên quan trực tiếp trong vụ việc đó. Ô hay, người ta chỉ thực hiện theo kế hoạch và theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao sao lại bị kỷ luật? Nếu việc đó là sai thì phải phê bình, kỷ luật tất cả những ai đã giơ tay biểu quyết thông qua kế hoạch đó, sao lại chỉ xử lý một vài người trực tiếp thực hiện ở dưới?
 
Nêu ra sự bất hợp lý như vậy, không nhằm để phê phán hay chỉ trích ai cả mà chỉ để muốn nói một điều rằng, trong những lúc nước “sôi, lửa bỏng” dưới áp lực của dư luận, người ta rất dễ mất bình tĩnh dẫn đến những hành vi “chữa cháy” rất không phù hợp, gây phản ứng, dẫn đến sửa chữa hành động sai lầm này bằng một hành động sai lầm khác. Cách hay nhất là bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc, nếu sai thì thành thật nhận lỗi rồi tích cực, chân thành sửa sai. Đừng nên tìm mọi cách đẩy lỗi lầm ra xa mình và đổ cho người khác bằng cách “cờ bí, thí tốt”. Cách đó dễ làm cho người khác phải gánh tội oan mà oán than một đời. Rất không nên!
 
Duy Hương