(Baonghean) - “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam”, lúc còn sống, ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore - vị nguyên thủ một nước bé nhỏ nhưng được cả thế giới nể trọng và ngưỡng mộ đã từng nói như vậy.
Theo ông, lẽ ra trong cộng đồng ASEAN thì Việt Nam phải là nước phát triển hàng đầu vì Việt Nam có đủ điều kiện đạt được như thế, và cộng đồng ASEAN cũng cần một Việt Nam như thế. Bởi Việt Nam có một vị thế chiến lược, người Việt Nam cần cù, thông minh, ham học. Ông đã từng mơ ước có một đất nước với các điều kiện tự nhiên, con người như Việt Nam. Lời nói đó không phải là theo phong cách ngoại giao mà rất thật lòng và đúng với thực tế. Và ngay từ tấm bé khi cắp sách đến trường, hầu như ai cũng thuộc làu câu “đất nước ta rừng vàng, biển bạc đất phì nhiêu.
Nhân dân ta cần cù, anh dũng”. Sự thật đúng là như vậy. Lời nói của ông như chắp cánh thêm cho niềm tin về một Việt Nam thịnh vượng. Nhưng cũng khiến cho chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ ta có đủ điều kiện để đạt được vị trí hàng đầu, nhưng sao hiện tại lại đang đứng ở tốp cuối các nước trong cộng đồng ASEAN. Chính ông Lý Quang Diệu cũng đã thẳng thắn nhận xét, đến hiện nay, Việt Nam chưa đạt được vị trí này do nhiều nguyên nhân khác nhau... Vậy điều gì, nguyên nhân nào đang cản bước, đang níu giữ, trì kéo sự phát triển của ta? Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thoát khỏi sự trì kéo đó?
Thật may, là câu trả lời khá toàn diện và đầy đủ đã nằm trong Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 mà chính phủ vừa mới ban hành. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2015 vượt mức trung bình 6 nước top đầu trong ASEAN, 2016 vào top ASEAN-4. Theo đó, Chính phủ thống nhất tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế là đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Điểm mấu chốt là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Từ đây, suy ra nguyên nhân làm chậm bước phát triển của đất nước chính là thủ tục hành chính phức tạp, thiếu công khai, minh bạch và tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Và quyết tâm cũng rất cao, rất cụ thể, bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Không thể để tình trạng Việt Nam cứ đứng chót trong ASEAN như thời gian qua". Vậy là chúng ta đã có đủ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lẫn quyết tâm hành động. Cộng với điều kiện tự nhiên, con người sẵn có. Không lý gì mà chúng ta lại không vươn tới được mục tiêu đã định.
Vì thế, thấy rất vững tin ở tương lai.
Duy Hương