(Baonghean) - Việc làm là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thanh niên nói riêng và xã hội hiện nay nói chung. Tình trạng thất nghiệp trong thanh niên - đối tượng chiếm phần lớn dân số trong độ tuổi lao động - thường được nhìn nhận như một vấn đề có nguồn gốc từ sự phát triển bất cân xứng của cung và cầu trong nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu có nên lật lại vấn đề, nhìn nhận ngay từ khía cạnh của những người trẻ?
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ không hẳn là thất nghiệp, mà nói một cách chính xác là chưa tìm được việc làm ổn định. Tình trạng thay đổi công việc thường xuyên không phải là hiếm, nhất là đối với những bạn trẻ vừa rời khỏi giảng đường đại học. Nguyên nhân mà các em nêu ra thường là: cảm thấy công việc không phù hợp; chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng được những gì mà bản thân kỳ vọng; do tuổi trẻ muốn được trải nghiệm và thử sức mình với những cơ hội khác nhau;… Kết quả là do không cố định được nơi công tác nên không có thời gian, quá trình phấn đấu, thể hiện mình, dẫn đến việc nhiều em ra trường tương đối lâu nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ trên con đường đi tìm một chỗ đứng trong xã hội.
Những lý do nêu trên liệu có mang tính thuyết phục cao? Không hoàn toàn. Nói công việc chưa phù hợp, cụ thể là chưa phù hợp đến mức độ nào? Nếu thực tế môi trường nghề nghiệp hoàn toàn trái ngược với những gì các em mường tượng, có lẽ nên đặt câu hỏi cho chính sự lựa chọn về ngành đào tạo và nghề nghiệp mà các em đã lựa chọn. Còn nếu độ “chênh” giữa thực tế và kỳ vọng của các em chỉ ở một mức độ tương đối, thì nên nhớ rằng sẽ không một trường lớp nào dạy cho các em tất cả những gì có thể xảy ra trong thực tế. Thay vì đặt câu hỏi tại sao công việc đó không “ăn khớp” với bản thân một cách tuyệt đối, sẽ thiết thực hơn nếu đặt câu hỏi: Bản thân ta phải làm gì để có thể trở thành mảnh ghép hài hoà với vị trí còn khuyết đó? Cũng có nghĩa là phải đặt ra câu hỏi về ý thức, trách nhiệm hoàn thiện và điều chỉnh bản thân mình sao cho hài hoà với môi trường, xã hội xung quanh trước khi đòi hỏi mọi người thay đổi để phù hợp với một cá nhân.
Người ta thường nói rằng hãy phạm sai lầm khi còn trẻ, bởi đó là quãng thời gian mà mọi sự bồng bột đều có thể được cảm thông. Một mặt, đó là lối nói nhằm khích lệ người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám sống vì những ước mơ, dù cho đó là ước mơ điên rồ nhất. Nhưng mặt khác, có ai định lượng được quãng thời gian tuổi trẻ đó sẽ kết thúc lúc nào hay không? Nếu không xác định cho mình một phương hướng, một đích đến cụ thể, tuổi trẻ của chúng ta sẽ trôi qua một cách phí hoài và vô nghĩa lúc nào không biết. Con đường dù ngắn dù dài, nếu không đi sẽ chẳng bao giờ đến đích. Chẳng có công việc nào là dễ dàng dẫn đến thành công, nếu ta không kiên trì theo đuổi nó đến cùng. Trải nghiệm là điều mà thanh niên rất cần, nhưng chúng chỉ thực sự có giá trị khi phục vụ cho con đường dẫn đến mục tiêu mà ta xác định từ đầu.
Một người bạn của mình từng biện giải như thế này sau lần đổi việc thứ ba trong vòng một năm: “Biển rộng cá nhiều, sao phải mất thời gian bắt con cá nhỏ trong khi sức mình đáng ra phải bắt được con cá lớn?”. Cá lớn đâu chưa thấy, chỉ thấy mỗi lần thay đổi công việc là mỗi lần cậu ta mất thời gian để làm quen, bắt nhịp với môi trường mới, rốt cuộc đến giờ vẫn chỉ là anh nhân viên bình thường, ngang hàng với các lứa thanh niên mới ra trường, nhận việc. Để thấy thời gian là thứ mà tuổi trẻ có nhiều, nhưng không vô hạn và thừa thãi. Nếu không dùng thời gian tuổi trẻ của mình để phấn đấu, thể hiện bản thân thì mãi mãi chỉ là con cá nhỏ không lớn nổi mà thôi.
Thục Anh