(Baonghean) - Cứ mỗi dịp cuối năm, anh em cơ quan nọ lại có cơ hội tề tựu với nhau thông qua cuộc họp kiểm điểm, bình bầu xếp loại thi đua.
 
Thông thường những cuộc này rôm rả lắm, kết thúc rất dễ là một chầu “nhậu có hát” mà chủ nhân lời mời ít khi không phải là những người vừa được bỏ phiếu xếp loại xuất sắc. Trách chi được, ba trăm sáu mươi lăm ngày “trận mạc”, đến mãi tận cuối năm mới có dịp hàn huyên đầy đủ, không nói, không cười, không giận kể ra nó cũng phí đi. Kiểm điểm cơ quan là nơi, là lúc mà mỗi cá nhân buộc phải đặt mình vào môi trường đánh giá chung, tự soi và nhận phản chiếu, xem lại cái mặt mạnh, mặt yếu nó ra làm sao mà điều chỉnh, mà sửa, mà tiến bộ. Tóm lại kiểm điểm là tốt, là cực kỳ cần thiết.
 
images1104342_36.14.jpgTranh biếm họa: Lê Viết Trí
 
Nói chung là vậy, chứ thực tế các cuộc họp kiểm điểm có khi, có nơi cũng muôn hình vạn trạng lắm. Rất nhiều đơn vị họp hành nghiêm túc, góp ý thẳng thắn, chân thành, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao. Người “phê” thoải mái không né tránh, người “bị phê” cũng sẵn sàng vui vẻ tiếp thu. Kết quả cuộc họp góp phần giúp cho người ta dễ dàng hơn trong việc nhận ra mình là ai, mình đang đứng ở đâu, hướng nào để chọn bước đi kế tiếp phù hợp nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan làm tốt công tác này, đáng buồn khi vẫn còn những đơn vị kiểm điểm theo kiểu hình thức, qua quýt cho xong chuyện. Dăm câu ba điều góp ý chiếu lệ, kiểu như “Đồng chí Nguyễn Văn A nhiệt tình trong công việc nhưng đôi khi còn rụt rè trong phê và tự phê”. Thậm chí “bơm” nhau kiểu như “Đề nghị đồng chí hết sức quan tâm giữ gìn sức khỏe bản thân để còn tiếp tục cống hiến cho xã nhà”.
 
Tệ nhất là có nơi, người ta lợi dụng kiểm điểm để chì chiết, để vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, thậm chí tích trữ “đòn” trong cả năm để chờ kiểm điểm mà dội, mà “đánh úp” ai đó. Thật là tệ! Lại còn không thiếu cả đơn vị “ung dung” biến cuộc họp kiểm điểm thành diễn đàn “thập cẩm”, mà ở đó người nói, người nghe, cộng người chủ trì đều phát thanh cùng lúc. Từ chuyện đồng quang sang chuyện đồng rậm, các vị cứ phi trật tự mà thay nhau tới tấp giãi bày. Đồng chí nào tự thấy mình hoàn thành nhiệm vụ thì vui vẻ, thì kể công, phô trương chiến tích… Kẻ dự báo mình “tín nhiệm thấp” thì kể khổ, phân bua, rồi giãi bày “lý do khách quan” để tranh thủ sự thông cảm.
 
Đôi khi mọi ngữ điệu của tính cách cá nhân được vật ngửa trước tập thể thông qua cái gọi là cuộc họp kiểm điểm. Ai thật, ai bộc trực, ai kín đáo, ai thẳng thắn, ai vòng vo, ai nông nổi, ai thâm thúy, ai hiền lành và cả ai không… hiền lành vẫn thấp thoáng sau những câu từ góp ý ấy. Kể cũng lạ, có những thứ vô cùng bình thường của những ngày cũng rất chi là bình thường, bỗng nhiên trở nên cực kỳ nghiêm trọng nếu ai đó không may bị “nâng quan điểm”. Ở chiều ngược lại, có những thứ “hơi bị” nghiêm trọng lại bỗng nhiên trở nên rất đỗi bình thường, cười mấy “trộ” ù xọe coi như xong. Kết quả kiểm điểm ở những đơn vị này thường không chỉ ăn món “canh hẹ” mà tất nhiên là hiếm tác dụng.
 
Kiểm điểm là sự đánh giá sòng phẳng ưu, nhược của một tập thể hay cá nhân nào đó với mục đích cuối cùng là giúp cho họ nhận ra cái mạnh, cái yếu để rồi tiếp tục phát huy hay khắc phục. Kiểm điểm hoàn toàn không đồng nghĩa với việc “tìm và diệt”. Xử lý kỷ luật sau kiểm điểm (nếu có) thì cũng là một biện pháp chứ không phải là mục tiêu của hoạt động kiểm điểm. Kiểm điểm không phải là nơi để chì chiết cũng không phải là chỗ để ca tụng. Chỉ khi có sự chân thành thì hoạt động kiểm điểm mới có thể hoàn thành sứ mệnh thực sự của nó.
 
Nhân nói kiểm điểm lại cứ nhớ đến câu chuyện mà một người bạn kể cho người viết bài này về một nhân vật ở cơ quan bạn. Ấy là một vị phó phòng, bác ấy có một kiểu góp ý rất khác người. Không bỏ sót một ai, không để “thất thoát” bất kỳ một khuyết điểm nào dù nhỏ của người khác nhưng chưa bao giờ trực tiếp giơ tay “tôi xin có ý kiến” cả! Bác thực hiện thường xuyên, thực hiện đến thành thạo là thống kê “tội” rồi xúi ai đó phát biểu.  Cơ quan cứ gọi đùa hành vi của bác ấy là chuyên gia “ném biên”. 
 
Ở môn bóng đá, cầu thủ nào không may để bóng đi hết đường biên dọc thì coi như đã biếu không đối phương một quả ném biên. Theo như yêu cầu hợp lệ thì người ném biên phải đứng ngoài sân và phải nhất thiết đưa bóng cho một cầu thủ khác. Người ném biên giỏi không chỉ đưa bóng chính xác để đồng đội tấn công, mà họ còn biết cách ném vào lưng, vào đầu đối phương, để tự mình cướp lại bóng.  Thậm chí ném vào tay đối phương để kiếm quả đá phạt. Mỗi lần như thế khán đài lại vang lên tiếng… ồ.
 
Tất nhiên, khán giả chỉ vỗ tay tán thưởng với những pha ném biên lại cho đối phương, cái này gọi là “trả bóng”. Luật không quy định điều ấy, luật không có buộc người ném biên phải “trả bóng”. Nhưng, đấy là cái tình, là sự tôn trọng cuộc chơi mà suy cho cùng chính là sự tôn trọng bản thân mình mà trong thể thao người ta gọi là Fair play (chơi đẹp). Mấy bạn ở cơ quan nọ liên hệ đến việc góp ý phê bình bằng cách “đẩy bóng cho người khác” của bác phó phòng ấy có vẻ chưa sát nhưng nghe cũng hay hay. Tóm lại ở đâu, làm gì cũng thế thôi “chơi đẹp” mới đáng được tán thưởng.  
 
Nguyễn Khắc An