(Baonghean) - Từ chỗ ngần ngại, e dè và cả sự cấm đoán khi nhắc đến hai chữ tâm linh trong một thời gian dài thì nay, vấn đề này mặc nhiên được thừa nhận. Và cũng từ đây, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, xấu có, tốt có liên quan đến lĩnh vực tâm linh.
Do được thừa nhận và được phép thực hành rộng rãi các hoạt động, các công việc cả hữu hình và vô hình liên quan đến tâm linh nên hình thành khái niệm mới là văn hóa tâm linh. Với nghĩa là một mặt hoạt động văn hóa của xã hội con người tương tự như văn hóa thể thao, văn hóa du lịch… Nét văn hóa này được biểu hiện ở khía cạnh vật chất hoặc tinh thần, mang những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày và trong cuộc sống tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện nhận thức, thái độ (e dè, sợ hãi hay huyền diệu” của con người. Cũng như tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống, văn hóa tâm linh cũng có những mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy cần có một cái nhìn biện chứng, khách quan để có cách ứng xử hợp lý, phát huy được mặt tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống cộng đồng. Trước hết phải thấy một điều, văn hóa tâm linh là sự hòa quyện của cả tình cảm và lý trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy. Niềm tin tâm thức dễ dàng dẫn đến tử vì đạo vì nó gắn liền với tâm linh. Chính vì thế, nó dễ khiến con người ta trở nên mê đắm quá độ dẫn đến mê tín và thậm chí là ngu tín với những hành động không thể tưởng tượng nổi. Điều này rất dễ nhận thấy qua một loạt hành vi lãng phí, phản văn hóa trong các hoạt động tâm linh mà xã hội đã nhiều lần cảnh báo như mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng tiền mua vàng mã để đốt, để tổ chức những lễ hội đậm màu sắc mê tín dị đoan rất tốn kém. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, cứ hễ đến đình chùa, miếu mạo là biện lễ tiền vàng âm phủ, nhét tiền thật vào đủ mọi chỗ có thể nhét được rồi khấn vái, xin xỏ đủ thứ. Chẳng khác nào hối lộ công khai, trắng trợn. Vì thế mới nảy ra những kẻ xây chùa giả, đền giả để gom tiền công đức. Hễ có dịp là xô đẩy, tranh nhau cướp ấn, cướp lộc để mong được phù hộ, độ trì thăng quan, tiến chức, làm ăn tấn tới, con cháu học hành giỏi giang, đỗ đạt… Cũng chính vì nắm được niềm tin tâm thức có sức mạnh vô biên, khiến con người trở nên mù quáng nên đã có không ít kẻ lợi dụng để trục lợi cá nhân và gây ra những chuyện đau lòng. Hẳn mọi người chưa quên việc một số kẻ lợi dụng làm việc tâm linh, đội lốt nhà ngọai cảm đang tâm làm những việc xằng bậy xúc phạm vong linh các liệt sĩ và làm tổn thương sâu sắc thân nhân của họ, khiến cả cộng đồng phải phẫn nộ. Vì thế, đã công nhận, đã coi tâm linh là một hoạt động văn hóa chính đáng, không thể thiếu của cộng đồng thì cần phải có sự quan tâm đúng mức để đưa các hoạt động của loại hình văn hóa này đi đúng hướng. Hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực và phát huy cao nhất mặt tích cực. Và như các nhà nghiên cứu đã tổng kết: trong tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, đạo đức, tinh thần, ý chí, linh hồn... Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống cộng đồng. Đó là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện. Các tôn giáo khác nhau về giáo lý song đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung, triết lý nhân bản. Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn. Có thể nói tâm linh là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Hãy khai thác những khía cạnh tích cực đó để xây dựng văn hóa tâm linh đúng đắn, làm cho cuộc sống của cộng đồng ngày một bình yên và tốt đẹp hơn.
Duy Hương