(Baonghean) - Trong tiết trời này, không có cái thú nào bằng được quây quần bạn bè quanh bếp đồ nướng. Nhẹ thì ngô, khoai, sắn,... Nặng thì thịt lợn, thịt bò tẩm ướp thơm lừng. Một bếp than, mấy cái ghế nhựa kê ở vỉa hè, nhìn dòng người qua lại co ro ngược chiều gió, thấy ấm áp và no nê, sung sướng không để đâu cho hết. Mỗi tội...
 
Hôm trước nữa, mình rủ cô bé hàng xóm đi ăn đồ nướng ở đường N.V.C, ra chiều lãng mạn lắm. Đang đon đả lật thịt, gắp cho nàng thì một đứa nhóc đi tới, đứng kè kè ngay bên cạnh, chìa ra phong kẹo cao su xylitol. Vừa để thể hiện với nàng, vừa nghĩ bụng ăn đồ nướng xong nhai kẹo cho thơm miệng, kể cũng có lý - mình rút ví hỏi vẻ phóng khoáng:
 
- Của chú bao nhiêu tiền?
 
- Hai mươi nghìn ạ!
 
Mình điếng người suýt làm rơi cả ví vào bếp than. Nhưng biết làm sao, đành ngậm ngùi mua phong kẹo đắt bằng gói xôi sáng, đúng là không cái dại nào bằng cái dại nào!
 
Hôm qua mình lại cũng đi ăn đồ nướng, lần này là với một ông bạn. Chắc mẩm phen này không kẹo cao su gì nữa sất thì lại thấy một gã thanh niên tay xách giỏ đến từng bàn mời gọi. Mình dỏng tai lên nghe, hoá ra là bán kẹo mút hình trái tim. May mà không mời cô em nào đi cùng chứ không thì lại chết tiền vì mấy cái kẹo mút vớ vẩn! Đang hí hửng thì đã thấy tay bán kẹo đứng án ngữ trước mặt, vừa nói vừa liếc hết mình sang ông bạn, tủm tỉm:
 
- Anh ơi, mua kẹo đi anh ơi, chỉ 15.000 là có ngay một trái tim ngọt ngào tặng bạn anh để xua tan những cơn gió mùa rồi!
 
Mình tím mặt, không nói không rằng, còn bạn mình nín cười trả lời bằng giọng thánh thót như vịt cồ:
 
- Em không thích ăn kẹo, anh ạ!
 
Tay bán kẹo ngượng quá, chuồn thẳng!
 
Hôm nay mình lại đi ăn đồ nướng với vợ chồng bà chị gái. Cẩn thận nhìn trước ngó sau không thấy "kẹo cao su" lẫn "kẹo trái tim", mới yên tâm kéo ghế ngồi. "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", lần này "xuất quân" là một chị phụ nữ trông trẻ trung khoẻ mạnh, mặt mũi hồng hào béo tốt, bế đứa bé con trên tay. Chị này cũng lò dò đi từng bàn, mời mua mấy thứ linh tinh. Anh rể mình chối không mua thì chị ta tiếp lời luôn:
 
- Dạ thế anh cho em xin mấy đồng cũng được...
 
Chị gái mình lắc đầu nhìn người phụ nữ đi xa dần, lẩm bẩm:"Trẻ khoẻ như thế, không làm việc mà lại đi xin tiền. Thời gian ấy để lao động đúng nghĩa có phải là nên cơm, nên cháo hơn không? Nghe giọng thì là người nơi khác đến, chỉ đi hành khất mà cũng bỏ công đi xa thế này, sự đời cũng thật lạ kỳ!"
 
Mình cũng thấy lạ kỳ. Lạ trong tư tưởng, suy nghĩ về lao động ở một số người. Thứ nhất, đó là những hình thức không hiệu quả, bởi không đánh trúng tâm lý khách hàng và nếu nói tệ hơn thì đôi khi còn là một sự vô ý thức, thiếu tôn trọng người khác. "Trời đánh tránh miếng ăn", chẳng ai thấy thoải mái nếu bị làm phiền khi đang dùng bữa. Càng khó chịu hơn khi người làm phiền còn lợi dụng việc mình phải nhượng bộ để "mua" lấy sự yên ổn, hét giá trên trời hoặc mè nheo vòi vĩnh. Là người bản địa đã thấy khó coi, là khách du lịch ắt sẽ còn gây ấn tượng xấu hơn nữa. Thứ hai, thực ra có thể gọi đó là một nghề nghiệp chân chính hay không? Ở nước ngoài cũng có những người đi "xin tiền" thiên hạ, nhưng họ không lấy "tiền suông" mà đổi lại bằng tiếng đàn, tiếng hát hay muôn vàn tài lẻ khác. Người cho tiền thì vui lòng mà người xin tiền thì cảm thấy đó không phải là những đồng tiền đáng xấu hổ.
 
Biết xấu hổ khi cầm tiền, đó cũng là một thứ văn hoá. Tiền bạc không làm nên con người, nhưng rất dễ làm mất đi tư cách của con người. Làm sao để đồng tiền trao tay người là trao sự hài lòng, thoả mãn cho cả hai bên, chứ đừng khiến người ta khinh ghét nhau, lợi dụng nhau. Như thế thì xấu hổ lắm!
 
Hải Triều