Sáng 12/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội chính Đảng.
Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
CÔNG TÁC PCTN KHÔNG NGỪNG, KHÔNG NGHỈ
Tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận 6 kết quả nổi bật của ngành Nội chính Đảng đạt được trong năm 2021; đồng thời đề xuất 5 định hướng về công tác Nội chính Đảng cần thực hiện tốt trong năm 2022. Trong đó, Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý một số nội dung quan trọng đề nghị Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và ngành Nội chính cần chú trọng thực hiện. Cụ thể, đó là việc tập trung nghiên cứu tham mưu, hoàn thiện các đề án quan trọng của Trung ương. Tham mưu, đề xuất các nội dung về mô hình cơ quan chuyên trách về PCTN; xây dựng cơ quan PCTN, tiêu cực cấp tỉnh. Chú trọng công tác kiểm soát PCTN, tiêu cực trong điều tra, xét xử, thi hành án.
Chủ động sâu sát quyết liệt hơn nữa trong tham mưu chỉ đạo về PCNT theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư, không để công tác PCTN chùng xuống, không ngừng, không nghỉ. Khẩn trương thanh tra, điều tra xử lý vụ án đã được đưa vào diện Ban Bí thư theo dõi chỉ đạo, nhất là vụ việc liên quan Công ty Việt Á.
Tiếp tục tham mưu chỉ đạo: thực hiện phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, thi hành án, kiểm toán, điều tra truy tố… Phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa việc thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề cực khó, cực lớn mà lâu nay còn ít quan tâm và nhiều vướng mắc.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đôn đốc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các vụ việc liên quan các lĩnh vực nhạy cảm như y tế, mua sắm tài sản công, đất đai… Lĩnh vực kiểm tra, giám sát có khi còn rất yếu, không chỉ là trách nhiệm của ủy ban kiểm tra mà còn có cả các cơ quan tham mưu giúp việc. Đề nghị các đồng chí cần phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra các cấp để xây dựng chương trình công tác, tránh chồng chéo để có hiệu quả.
Ở địa phương, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu các cấp ủy ban hành 2.262 văn bản để cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN, tiêu cực và CCTP, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025; Chỉ thị số 26CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư. Hầu hết các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã làm tốt công tác này, trong đó nổi bật là: Đà Nẵng, Đồng Nai, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Đắk Lắk, Lào Cai, Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Ngãi,...
10 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022
Trong 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được thống nhất tại hội nghị, có nhiều nội dung được hội nghị nhấn mạnh như: Ban Nội chính chủ trì, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN, tiêu cực và CCTP, nhất là Quy định số 32QĐ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư; Kết luận số 05-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư; Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung tham mưu, đề xuất đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế đã khởi tố, rà soát, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban Chỉ đạo, các Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
Xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự; không để hình thành điểm nóng, tổ chức chính trị đối lập trong nước, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước; tổ chức tấn công trấn áp hiệu quả các loại tội phạm nguy hiểm. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng duy trì, nâng cao chất lượng giao ban định kỳ, đột xuất về an ninh, nội chính.
Thu hút cán bộ giỏi, chú trọng nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.