(Baonghean) - Dân gian có câu “con dại, cái mang”, hiểu một cách nôm na thì là con cái mà dại dột, hư hỏng thì các bậc làm cha, làm mẹ phải chịu điều tiếng là không biết dạy dỗ con mình nên người. Cũng giống như câu mà các nhà nho thường dùng để răn dạy người đời, rằng "dưỡng bất giáo phụ chi quá". Dịch nghĩa ra là sinh con ra, nuôi dưỡng con lớn lên  mà không giáo dục con trở thành người hữu dụng thì đó là lỗi của cha mẹ. Con trẻ  mà không được cha mẹ uốn nắn, giáo dục đến nơi, đến chốn  thì sẽ “dại”, sẽ làm nhiều việc không khôn ngoan, không hay ho gì thì đó là lỗi của cha mẹ. Cho nên, các bậc phụ mẫu phải gánh chịu tránh nhiệm, nghĩa là "cái mang".
 
Thường thì người ta vẫn bảo nhau là “các cụ nói cấm có sai bao giờ”. Tuy nhiên, ở đời không có gì là bất biến, là duy nhất đúng và luôn luôn đúng cả. Ngày xưa thì đúng  là “con dại, cái mang”. Nhưng ngày nay thì chưa chắc. Mà có khi còn là ngược lại. Sở dĩ nói như vậy là vì, thời gian gần đây, xảy ra một số việc buộc người ta phải thay đổi quan niệm. Thoạt đầu là vụ “ông Truyền Bến Tre” có ngôi biệt thự, theo như đánh giá của bà con xứ Dừa là “to quá cỡ thợ mộc”. Khi dân tình xôn xao ông chỉ là cán bộ nhà nước, chỉ sống nhờ lương nay mới nghỉ hưu mà sao lại có nhiều tiền để mà xây nhà to cỡ đó? Thì ông và người nhà liền lý giải nhà là của con trai, chứ ông thì làm gì ra. Báo hại ông con trai, cũng đang là cán bộ nhà nước phải vất vả giải trình với cơ quan nơi công tác về nguồn gốc của nguồn tiền xây nhà. Theo như giải trình của anh con trai tuổi đời còn trẻ, mức lương còn thấp thì tiền để sắm biệt thự là tiền buôn bán bia, tiền vay mượn anh em, bạn bè, họ hàng, người thân những mấy tỷ đồng. Chẳng biết có thuyết phục được ai không, nhưng rồi chuyện có vẻ như đã được cho qua.
 
Chuyện thứ hai, là của một vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Vừa mới “hạ cánh an toàn”, ông đã khai trương ngôi biệt thự rộng cả ngàn m2. Ông có tiền nhiều thì ông cứ xây nhà to, ai có bàn tán, xôn xao gì về việc tiền đâu mà lắm thế thì cũng mặc vì… hơi đâu mà chấp vào miệng lưỡi thế gian. Nhưng ác một nỗi, ngôi nhà của ông lại lấn chiếm đất công tới cả mấy trăm m2. Thế là dân tình dị nghị, dư luận xôn xao, báo chí vào cuộc làm rõ. Cuối cùng, nhà ông đã phải tự nguyện dỡ bỏ hàng rào trả lại cho Nhà nước mấy trăm mét đất không phải của mình. Người ta chê ông làm cán bộ to mà không gương mẫu. Ông vội vàng thanh minh là do con trai tự ý lấn chiếm chứ ông không hề hay biết. Khi biết thì đã muộn và ông đã bắt con cái phá tường bao trả lại ngay. Điều rất phi lý và rất khó hiểu là con trai ông công tác ở Hà Nội, có nhà riêng ở Thủ đô. Vậy mà lại cất công về nơi “chôn nhau, cắt rốn” để mà lấn chiếm đất công. Còn ông sống sờ ngay tại đó, mà lại không hề hay biết gì?
 
Chuyện thứ ba, lại cũng là của một vị nguyên là “công bộc” của dân miền Trung, mang hàm cấp tướng, xây nguyên một dinh thự rất hoành tráng trên đất công. Khi bị dư luận “sờ gáy” thì cũng lại vỡ ra chuyện là do con trai làm bừa, làm ẩu. Coi luật pháp chẳng ra gì. Coi của công như của nhà mình.  Đúng là “hổ phụ” mà không sinh ra được “hổ tử”. Mấy cậu con trai nhà có danh, có giá toàn làm xấu mặt mẹ cha đã từng là “phụ mẫu chi dân”. Đến đây, cứ nghĩ, các cụ nói vẫn luôn đúng là “con dại, cái mang”. Nhưng đi sâu vào phân tích thì thấy, không hẳn đã đúng là như vậy. Vì lẽ, mấy “cậu ấm” làm bậy nói trên, tuổi đời còn rất trẻ, công tác chưa bao lâu nên lương không cao, uy tín cũng không cao. Cả thế và lực đều là con số thấp bé gần bằng không. Chắc chắn không thể đủ thời  gian tích lũy được chừng đó tiền xây nhà to. Càng không có gan để lấn chiếm chừng đó đất công ở vào cái thời buổi “tấc đất, tấc vàng” này. Hơn nữa, mấy cậu đó chẳng có uy gì mà khiến cho các cơ quan công quyền phải nể nang, e dè để rồi lần khần không dám xử lý cái tội chiếm đoạt của công một cách ngang nhiên, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ. Bất chấp kỷ cương, phép nước. Chẳng cần nói nhiều, bàn nhiều, ai cũng biết ngay được là do các ông bố làm hoặc giật dây cho làm. Các bố không gật, các con đố dám làm càn. Rõ ràng là các bố đã làm dại. Một đời công bộc, giữ gìn kín kẽ không để lại điều tiếng gì. Đến cuối đời lại không kìm giữ được lòng tham, sự hợm của, khoe sang nên sinh chuyện. Khi lộ ra lại đổ vấy cho con cái. Bí thì gí tốt, biến con cái thành con tốt gánh trách nhiệm, mang tiếng xấu thay cho mình.  Để rồi, người thì bị xử lý kỷ luật, công bố rộng rãi cho cả nước biết, người thì thanh danh phút chốc tan thành mây khói. Chả dại thì là gì?!
 
Thế mới hay một điều, thời thế thay đổi. Trước khác, bây giờ khác. Ngày xưa là “con dại, cái mang”. Ngày nay thì ngược lại: cái dại, con mang...
 
Bụt Sơn