(Baonghean) - Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị dành riêng cho Nghệ An, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực biến cơ hội thành hiện thực và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực; tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng đã đề ra trong những năm tiếp theo.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 trong thời gian tới, có ý kiến cho rằng, Nghệ An nên trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho các vùng kinh tế trọng điểm ở cả phía Nam và phía Bắc. Đó là một gợi ý hay. Bởi nó phù hợp với mục tiêu đề ra là đến năm 2020, đưa Nghệ An cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, quốc phòng - an ninh vững mạnh... Và cần nhận thức được nếu không trở thành “cái rốn” cung cấp mọi thứ cho vùng Bắc Trung bộ, không là đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả khu vực, thì không thể nào trở thành “trung tâm” như thế được. 
 
Nhưng ý hay thì phải có cách làm hay, phù hợp thì mới hiệu quả. Muốn trở thành trung tâm của vùng thì phải thiết kế, tạo dựng mối liên kết hài hòa và chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực với mối quan hệ tương tác, qua lại hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nói gọn lại là phải xây dựng mối liên kết vùng để tạo ra một môi trường sản xuất, kinh doanh và một thị trường hấp dẫn. Đó là một điều kiện cần thiết. Vì lẽ, mỗi một vùng, mỗi một địa phương dù nhỏ hay to đều có một số đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội nổi trội riêng so với các vùng, các địa phương khác. Sự khác biệt giữa các vùng tự nó cũng hàm nghĩa là mỗi vùng đều có những thế mạnh và điểm yếu đặc thù, tạo ra những lợi thế tuyệt đối và tương đối nhất định trong sự phân công lao động xã hội.
 
Liên kết vùng là nhằm tận dụng những ưu điểm, thế mạnh đó để bù đắp, bổ sung vào những khoảng trống, những sự thiếu hụt mà trong tỉnh còn chưa đáp ứng được. Đồng thời, cũng là một cách tiết kiệm nguồn lực, tránh đầu tư vào những mảng, những lĩnh vực mà các tỉnh xung quanh có nhiều tiềm năng, lợi thế hơn để tập trung khai thác vào những thế mạnh riêng có của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là việc liên kết vùng sẽ tránh được việc “giẫm chân lên nhau” trong một số lĩnh vực, tránh được việc chạy đua quá tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), khu đô thị, KCN và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau giữa các tỉnh, khiến cho trong một số lĩnh vực không sử dụng hết công suất, xuất hiện tình trạng dư cung, dẫn đến lãng phí nguồn lực, kìm hãm nhau, hạn chế sức cạnh tranh của nhau.
 
Mặt khác, liên kết vùng sẽ tạo ra sự đồng bộ về khuôn khổ thể chế, sự nhất quán về cơ chế, chính sách và sự thông thoáng trong cung cách quản trị của các vùng và kết nối được hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển một cách đồng bộ và hiện đại mà ngân sách tỉnh không cần phải bỏ ra quá nhiều. Nhìn sâu hơn một chút thì sẽ thấy, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị dành riêng cho Nghệ An là nhằm tạo cho tỉnh một vị thế mới trong khu vực. Đi kèm theo đó là các chính sách tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải có chiến lược thu hút, quy tụ những thế mạnh, nguồn lực trong tỉnh và ở các địa phương lân cận, chung quanh để đạt được mục tiêu đó. 
 
Vì thế, nên nhất thiết phải tạo dựng và thắt chặt mối liên kết vùng để có sự đột phá về phát triển nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển.
 
Duy Hương