(Baonghean) - Để khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực, tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh cần có chiến lược bài bản và giải pháp đồng bộ. Trước mắt, cần khắc phục những hạn chế như bệnh “thành tích”, tính “phong trào” trong thực hiện các đề tài, dự án. 
 
Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN, một giải pháp sắp tới sẽ được triển khai, đó là lấy HTX và doanh nghiệp làm trung gian chuyển giao KHCN cho nông dân và nông dân là đối tượng được hưởng lợi trong chuỗi sản xuất đó. Bởi các tổ chức này đảm bảo về số lượng, tính đồng đều và sẵn sàng cung ứng của sản xuất hàng hóa. Điều đó đòi hỏi phải có vai trò tham gia của các HTX, hiệp hội và doanh nghiệp đối với kinh tế hộ - một thành phần kinh tế quan trọng của nông thôn hiện nay. Một lý do nữa để chọn các khâu trung gian này là các doanh nghiệp có điều kiện triển khai, ứng dụng và nhân rộng mô hình hơn, tính sẵn sàng chịu rủi ro cao hơn. Thực tiễn cho thấy KHCN tác động mạnh mẽ đến chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào quan tâm đến khoa học công nghệ, biết đầu tư cho KHCN thì sẽ thành công. Điển hình là Tập đoàn TH, Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty Vĩnh Hòa (Yên Thành)...
images1186367_a6__s_n_xu_t_ch__viet_gap_t_i_h_ng_son._anh_son___nh_c.l.jpgSản xuất chè theo VietGAP tại Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: CL
Đặc thù của công tác khoa học là tính cấp thiết của đề tài nên không thể đợi kế hoạch năm và niên độ tài chính, do đó, cần đáp ứng nguồn vốn kịp thời. Tuy nhiên, thực tế vẫn phải đợi ngân sách giải ngân từng phần. Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ đang xây dựng dự thảo giải ngân theo quỹ nhằm tiến tới giải ngân theo lệnh tiến độ của đề tài để đáp ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ công tác khoa học.
 
Trung bình mỗi năm, Thành phố Vinh dành 2 tỷ đồng cho công tác ứng dụng KHCN. Đặc biệt, sau khi khảo nghiệm, đánh giá mô hình thành công (nếu một mô hình lãi ròng 33% trở lên so với doanh thu mới được coi là thành công), công tác nhân rộng mô hình được thành phố “kích cầu” bằng chính sách hỗ trợ vốn. UBND thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn để thực hiện mô hình ứng dụng KHCN; hợp đồng với Hội Nông dân thành phố “sẽ thay mặt thành phố chịu trách nhiệm đến cùng đối với một số mô hình”. Chính vì vậy, chương trinh nuôi gà sinh học với 519 hộ tham gia ở 9 xã trên địa bàn thành phố đã thành công, không có hộ nào bị rủi ro. Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh, nguồn vốn “kích cầu” để nhân rộng mô hình rất quan trọng. Bởi vậy, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ giữa khâu trung gian là HTX và doanh nghiệp với nhà nông thì Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vừa hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo nhân rộng vừa kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình. Bên cạnh đó, việc nhân rộng mô hình phải biết chọn hộ, chọn đối tượng có điều kiện về đất đai, về lao động, về kinh tế để thực hiện, chứ không áp đặt cho tổ chức, cá nhân nào thực hiện. Cùng đó tăng cường thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc để đầu tư vốn, tư vấn giải quyết vệ sinh môi trường, xử lý nước thải gia súc ở các điểm giết mổ tập trung và cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch như rau xanh. 
Trang trại chăn nuôi gà của ông Lê Văn Sáu (Diễn Trung, Diễn Châu) áp dụng đệm lót sinh học cho hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: v.t
Theo ông Ngô Hoàng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An: Đối với các đề tài, dự án sau khi nghiên cứu cơ bản phải có khâu sản xuất thử để kiểm nghiệm. Nhưng ở tỉnh ta chưa rõ khâu này, mỗi dự án nghiên cứu xong lập tức đưa thẳng ra sản xuất nhân rộng. Để người dân ứng dụng rộng rãi thành công thì phải có khâu chuyển tiếp (sản xuất thử nghiệm). Như vậy, cần có tác động thêm của Nhà nước, lúc này chi phí hỗ trợ của Nhà nước không nhiều như ban đầu. Chẳng hạn như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trước mắt trong khuôn khổ dự án nhỏ, khâu nhân rộng nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật, đào tạo tập huấn và nguyên, vật liệu thiết yếu đầu vào cho người dân thì sẽ tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì tâm lý người dân vẫn ngại đầu tư làm thử nghiệm ban đầu. Cùng với đó, khâu duy trì sau khi dự án khoa học kết thúc đòi hỏi các ngành liên quan, doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc, hướng đến xã hội hóa công tác khoa học. Nếu khoa học chỉ hướng đến tập trung cho doanh nghiệp (vì doanh nghiệp có điều kiện để thực hiện và tiếp nhận) thì sẽ thiệt thòi cho người dân. Do đó, cần phải cân nhắc cẩn trọng những loại hình nào nên đầu tư cho doanh nghiệp và loại hình nào đầu tư cho cộng đồng, nhằm hướng đến cái đích đạt hiệu quả tối đa của KHCN. Một khó khăn nữa là trong xét duyệt danh mục, giữa yếu tố mới và tính thực tiễn nhiều khi lại được cân nhắc chọn yếu tố mới, trong khi tính thực tiễn mạnh thì mới nhân rộng được. 
 
Bàn về giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ nhận định: Từ năm 2015, Sở Khoa học & Công nghệ gửi công văn cho tất cả các huyện, các sở, ngành, doanh nghiệp "đặt hàng" cụ thể về nhu cầu mô hình hay công nghệ. Bước đầu đã có hiệu ứng tích cực từ một số huyện và doanh nghiệp như huyện Kỳ Sơn đề nghị hỗ trợ kỹ thuật làm một số cây dược liệu; Công ty Nafoods đề nghị hỗ trợ chương trình sản xuất giống gấc,... Đặc biệt, tỉnh đã đồng tình về việc hoạt động xoay quanh trục sản phẩm. Sở Khoa học - Công nghệ đề xuất trình 100 sản phẩm cho toàn tỉnh trên cơ sở các huyện đề xuất lên. Chẳng hạn việc xây dựng thương hiệu chanh leo Quế Phong sẽ thực hiện xoay quanh trục sản phẩm, có nghĩa tác động đến cùng theo chuỗi sản phẩm (giống, sản xuất, KHCN, bệnh, đầu vào - đầu ra) nhằm đến cái đích cuối cùng là có thương hiệu ra sản phẩm hàng hóa thật sự và có giá trị. Cơ quan quản lý KHCN thậm chí phải đi tìm DN để đầu tư dự án, ưu tiên cho các ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp có điều kiện để triển khai, xã hội hóa nguồn vốn để thực hiện mô hình giữa nghiên cứu - phát triển (RD). Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khoa học công nghệ, đồng thời nghiên cứu cả khâu quản lý, thị trường đầu vào - đầu ra. 
 
Tập trung vào các đề tài ứng dụng thực tế, năm 2014 tỉnh ta đã ký với các viện, trường trong và ngoài tỉnh để hợp tác nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao tiến bộ KHKT đưa về địa bàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp hay nhằm hạn chế những tổn thất cho các đề tài KHCN. Định hướng phát triển KHCN của tỉnh mục tiêu đến năm 2020 là phát triển năng lực KH&CN đạt mức khá so với các địa phương khác trong cả nước, xây dựng Nghệ An thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ vùng Bắc Trung bộ. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tăng cường đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về KHCN trên các lĩnh vực; đối với đầu tư sản xuất nông, lâm ngư cần bám theo đề án tái cơ cấu ngành, đối với các lĩnh vực khác như công thương cũng cần được “hưởng lợi” từ KHCN. 
 
Châu - Quỳnh - Trường

TIN LIÊN QUAN