Chị Lê Hà, chủ một cửa hàng mỹ phẩm tại phường Hưng Bình, TP.Vinh cho biết: "Từ ngày mùng 7 Tết, tôi bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại, nhưng chẳng có khách. Tiếp đó, ngày 13/2, phường lại được công bố nằm ở mức cấp độ 4 của dịch, dù không nằm trong danh mục phải đóng cửa hàng nhưng vì sức khỏe của bản thân và gia đình nên tôi đành tạm nghỉ. Đến nay, dù đã xuống cấp độ 3 tuy nhiên nhận định tình hình kinh doanh sắp tới sẽ không khả quan nên tôi quyết định đóng cửa hàng mang hàng về nhà, ai mua thì sẽ ship...".
Theo thống kê, toàn TP.Vinh có hơn 23.000 hộ đăng ký kinh doanh với khoảng 35.000 người dân, tập trung tại các phường trung tâm như Hồng Sơn, Bến Thủy, Hưng Bình, Trường Thi, Hưng Dũng... Do công việc kinh doanh gặp khó nên hiện nay, việc hoàn trả mặt bằng, chuyển nhượng ki ốt xuất hiện nhiều trên các tuyến phố của TP.Vinh. Giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.Vinh cũng đã "chạm đáy" trong nhiều năm trở lại đây.
Theo khảo sát, các ốt kinh doanh khu vực Trường Đại học Vinh thuộc các phường Bến Thủy, Trường Thi, Trung Đô... nay chỉ dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng tùy vị trí, diện tích, giảm 50% so với trước đây.
Tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, tuyến phố kinh doanh sầm uất trên địa bàn TP.Vinh, nếu như giá cho thuê mặt bằng thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19 từ hàng chục triệu thậm chí trên dưới 100 triệu đồng/tháng thì nay chỉ từ 10 - 30 triệu đồng/tháng...
Mặc dù giá cho thuê mặt bằng đã thấp kỷ lục nhưng tìm được người thuê thời điểm này cũng không dễ.
Để ứng phó với tình hình ế ẩm hiện nay, nhiều cửa hàng tại TP.Vinh đã áp dụng nhiều biện pháp như giảm giá sản phẩm, tăng các chương trình khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng. Một số cửa hàng thì cắt giảm số nhân viên, hạn chế nhập hàng số lượng lớn để tránh thua lỗ, tăng cường quảng cáo trên các trang mạng xã hội để thu hút khách. Các chủ cho thuê mặt bằng thì cam kết giảm giá cho thuê, giãn thời gian đóng tiền với hy vọng sẽ có người thuê, tránh lãng phí mặt bằng, dẫn đến hao mòn, xuống cấp...