(Baonghean) - Những mô hình kinh tế như: khoanh nuôi bảo vệ rừng, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, trồng ngô, riềng, khoai dong hàng hóa trên đồi dốc thay thế lúa rẫy… đang “bén đất” Kỳ Sơn, mang lại hiệu quả thiết thực trong xóa đói, giảm nghèo, được đồng bào triển khai nhân rộng. Lựa chọn được bộ cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, nỗ lực vượt khó của đồng bào, chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương, Kỳ Sơn đang từng bước giảm nghèo bền vững.

Thăm mô hình nuôi lợn thịt của ông Lê Thanh Bình, bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu, ai cũng tấm tắc khen ngợi, bởi trên khoảnh vườn không lớn nhưng ông Bình đã tạo ra mô hình gia trại chăn nuôi khép kín và áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí nâng cao hiệu quả kinh tế. Với số lượng lợn thịt trong chuồng luôn dao động trên 50 con, mỗi năm nuôi 3 lứa, sản lượng lợn xuất chuồng từ 10 - 12 tấn, doanh thu gần 150 triệu đồng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ như ngô, sắn, bã rượu... nên lãi từ doanh thu của gia trại đạt đến 50%. Cách đây 2 năm được sự hỗ trợ của Dự án VIE 028 chương trình khuyến nông, ông Bình đã xây dựng hầm biogas vừa đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi, vừa tận dụng làm khí đốt, mỗi năm giảm chi phí hơn 20 triệu đồng. Ông Bình cho biết: “Từ thực tế mô hình chăn nuôi có hiệu quả, hiện tôi đang hướng dẫn một số hộ làm theo, để từ đó góp phần dần hình thành cụm gia trại chăn nuôi của xã đủ số lượng lợn thịt thường xuyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện Kỳ Sơn đặc sản lợn thit nuôi truyền thống”.
images1186398_img_4531.jpgMô hình nuôi lợn thịt cho hiệu quả kinh tế cao của ông Lê Thanh Bình ở bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu.
Đến thăm mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên của gia đình ông Lương Ngọc Xuân ở bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, quả là bất ngờ khi trên diện tích trước đây là đồi trọc giờ đã được bao phủ một màu xanh mướt mát. Những cây đinh hương, săng lẻ khoảng từ 1-2 người ôm sừng sững trên triền đồi. Dưới tán rừng, ông Xuân trồng cây dược liệu, và đặt tổ nuôi ong mật. Theo tính toán của cán bộ lâm nghiệp đi theo đoàn thăm mô hình thì nhờ công tác khoanh nuôi tốt không những bảo vệ được môi trường sinh thái tự nhiên đầu nguồn mà khi đến chu kỳ khai thác với diện tích rừng khoanh nuôi của ông Lương Ngọc Xuân có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. 
 
Lên bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn đến thăm trang trại nuôi bò kết hợp nuôi gà của ông Moong Phò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn. Thời điểm này, trang trại có đến hơn 60 con bò đang được chăn thả và hàng trăm con gà, ngan nuôi đẻ, nuôi thịt. Đồng chí Moong Phò Ngọc cho biết: Trên diện tích nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ hơn 24 ha, tôi tập trung chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi gia cầm dưới tán rừng. Lúc đầu chỉ có 5 con, nhưng nhờ làm tốt công tác thú y phòng dịch nên không để xảy ra dịch bệnh, do vậy đã tăng nhanh tổng đàn. Mỗi năm trang trại xuất bán 2 đợt, mỗi đợt hơn 10 con, thu nhập từ trang trại được hơn 200 triệu đồng. Không chỉ giỏi làm kinh tế trang trại, mà đồng chí Ngọc còn tiên phong làm mô hình trồng ngô lai, chuối hàng hóa để bà con học tập làm theo, thu nhập từ 2 loại cây này mỗi năm cũng gần 100 triệu đồng. 
 
Có thể nói các mô hình từ chăn nuôi lợn của ông Bình, khoanh nuôi bảo vệ rừng của ông Xuân hay mô hình chăn nuôi bò địa phương của ông Ngọc là 3 mô hình trong số rất nhiều cách làm hiệu quả đã được đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng, để bà con dân bản học tập làm theo như mô hình nuôi ba ba, trồng măng tre điền trúc, nuôi cá của ông Lô Khắc Lợi, bản Na, xã Hữu Lập; mô hình nông, lâm kết hợp của ông Lô Văn Dũng, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ; hay những mô hình trồng gừng, vỗ béo bò của đồng bào Mông ở các xã vùng cao. Những mô hình hiệu quả đã trở thành kinh nghiệm quý để bà con học tập áp dụng vào điều kiện thực tế từng hộ. Nhờ đó, đến nay Kỳ Sơn đã có 405 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó, kinh tế tổng hợp 109 mô hình, chăn nuôi 295 mô hình, tiểu thủ công nghiệp 9 mô hình, trồng trọt 1 mô hình... Đồng chí Lê Công Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Kỳ Sơn cho biết: “Trên cơ sở nắm vững điều kiện thực tế từng địa phương và các mô hình hiện có, trạm tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ để nhân rộng, đồng thời hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả cho bà con”.
 
Có thể nói, nhiệm kỳ này trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp Kỳ Sơn không còn phải “loay hoay” đã khẳng định hiệu quả, thích hợp với địa tầng thổ nhưỡng. Còn đồng bào Mông ở các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn, Mường Típ... chủ trương của huyện là đẩy mạnh phát triển cây gừng, ổn định diện tích 350 - 400 ha, cùng với đó phát triển bền vững cây chè tuyết shan, nuôi bò nhốt vỗ béo tại hộ. Đối với vùng có độ cao trung bình và vùng núi thấp, duy trì ngô lai với diện tích trên 3.000 ha gồm các xã ven đường QL 7 và đường vành đai biên giới... Ở vùng thấp trũng, chủ động nguồn nước tưới, phương án của huyện ổn định diện tích 300 ha lúa 2 vụ, 1.100 ha lúa 1 vụ. Như vậy, dẫu rất khó khăn về địa hình nhưng thực hiện Nghị quyết lần thứ XXI Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Kỳ Sơn đã hình thành rõ nét hệ thống các cây, con đặc sản hàng hóa theo từng tiểu vùng từ vùng cao xuống vùng thấp. Nhờ những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đã tạo cho Kỳ Sơn một cơ sở để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn. Nếu đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ đói nghèo còn trên 84% thì đến nay giảm xuống còn hơn 52%, thu nhập bình quân đầu người từ 4,8 triệu đồng, tăng lên 15 triệu đồng. Đồng chí Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện nhận định: Trên cơ sở một số cây, con đã được khẳng định hiệu quả, huyện sẽ ổn định diện tích theo quy hoạch, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống nhà máy chế biến như chế biến gừng, chè shan tuyết, đồng thời quy hoạch các địa điểm tập kết thu mua ngô, lúa... đây là cơ sở để Kỳ Sơn thực hiện đạt chỉ tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6%, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
 
Hồng Sơn