(Baonghean) - Những năm gần đây cua đồng trở thành món ăn ưa chuộng của người dân thành phố. Nhiều người dân các vùng quê Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… đổ xô đi bắt cua đồng và có khá nhiều điểm thu gom cua để đưa ra Hà Nội tiêu thụ.
 
Trời nắng nóng như thiêu như đốt nhưng trên cánh đồng Rào, xã Long Thành (Yên Thành) vẫn có khá nhiều người lội ruộng “săn” cua. Em Trần Thị Hoa, học sinh lớp 9 cho biết: “Được nghỉ hè nên cả 2 chị em cháu đi bắt cua, mỗi ngày bắt tích cực được từ 2 - 3 kg, bán với giá 85.000 đồng/kg mỗi ngày cũng được từ 150.000 - 200.000 đồng, có thêm ít thu nhập phụ giúp gia đình”. Bà Khiêm Tú, 65 tuổi ở xóm Phan Thanh, trên tay một bao đầy cua nhưng vẫn bì bõm lội quanh bờ ruộng. Bà chia sẻ: “Kinh nghiệm tôi thường đi bắt cua vào buổi trưa tuy nắng nóng nhưng cua bò vào hang trốn nên dễ bắt. Ngày ít tôi bắt được 2 kg, ngày nhiều có khi bắt được từ 5 - 7 kg, nhờ đó có thêm trang trải cuộc sống”. 
images1186406_anh_khuong_an_o_xom_3_long_thanh_yen_thanh_dang_dong_cua_vao_thung_xop.jpgAnh Khương An ở xóm 3, xã Long Thành và con “đóng” cua đi Hà Nội.
Hiện nay tại xã Long Thành còn có đội quân chuyên bắt cua bằng “lừ” trên các dòng kênh. Trời xẩm tối, chúng tôi thấy mấy người chở mấy chục cái “lừ” bằng xe máy rồi đặt bẫy ở một khúc sông. Chỉ một đoạn eo sông mà có 3-4 tay “lừ” được đặt chồng chéo lên nhau. Ông Trần Thể ở xóm Phan Thanh, Long Thành nói: Đoạn eo sông, cỏ năn cỏ lác rậm rạp là nơi cua thích trú ngụ, đặt khoảng trên 20 cái “lừ” từ 6 giờ chiều hôm trước, 6 giờ sáng hôm sau ra vớt, trúng quả có khi được cả yến cua. Lừ được đan bằng tre, nứa dài cỡ 70 cm, ruộng 30 cm có 2 cửa để cua chui vào. Đánh “lừ” có lợi thế vừa khỏe, vừa “đánh” được cua to, giá cao hơn. 
 
Xóm Lộc Thành, xã Nam Thành có khoảng trên 80 người chuyên bắt cua đồng, trong đó có 5 - 6 người thường đi bắt cua vào ban đêm. Anh Nguyễn Thọ Nhân, người bắt cua đêm giỏi nhất xóm Lộc Thành, hào hứng kể: “Ban ngày tranh thủ ngủ, tầm 4 giờ chiều là ăn cơm rồi chuẩn bị đồ nghề gồm đèn, bình ắc quy, bao tải là lên đường. Cứ lội ruộng thâu đêm, có khi mải miết đi săn cua sang địa phận các xã khác. Khoảng 5 - 6 giờ sáng về, bữa ít được 2 - 3 kg, có hôm được hơn 10 kg”. Theo anh Nhân thì “săn” cua ban đêm vừa mát, cua bò ra kiếm thức ăn chỉ cần soi đèn là nhặt. Tuy nhiên bắt cua ban đêm cũng lắm hiểm nguy, có người từng tử vong do rắn độc cắn. 
 
Ngược lên các xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn (Đô Lương) từ sáng tinh sương, chúng tôi thấy có khá nhiều thợ săn cua đã tỏa ra khắp các cánh đồng. Mọi con mương, vũng nước cũng bị lùng sục. Anh Trần Chiến ở xã Hòa Sơn cho biết: “Mươi năm về trước cua nhiều vô kể, cứ vào hè ra đồng cua bò lổm ngổm, nay có quá nhiều người bắt nên cua trở nên khan hiếm. Một số “thợ săn” cua ở Đô Lương phải lên tận các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn…”.
 
Khoảng 11 giờ trưa, điểm thu mua cua ở cầu Trộc Lái, xã Xuân Thành (Yên Thành) khá nhộn nhịp. Sau một buổi đi bắt, có khoảng 30 - 40 người về nhập cho các “lái cua”. Chị Nguyễn Thị Hồng, một người thu mua cua cho biết: “Tầm 9 giờ sáng cứ đứng ở cầu Trộc Lái là có người đem cua đến bán. Có người bán chỉ được 3 - 5 lạng, có người bán cả yến, nhưng đều được thu mua hết. Mỗi ngày thu gom được chừng 20 - 30 kg cua sau đó lại về nhập cho các thương lái lớn”. Tại Yên Thành hầu như xã nào cũng có 1 - 2 “lái cua” đến thu mua. Trước đây, họ ngồi một chỗ nơi đầu làng để những người bắt cua đến bán, nhưng hiện nay do nhiều người tìm mua nên họ phải ra tận đồng để thu gom. 
 
Lần theo các “lái cua”, chúng tôi đến điểm tập kết cua lớn tại nhà anh Khương An ở xóm 3, xã Long Thành, đây là điểm thu mua cua lớn nhất huyện Yên Thành. Tại đây, người “săn” cua trong xã và các lái buôn từ khắp nơi về “đổ” hàng. Phía trong căn nhà thấy ngổn ngang các bao cua, anh Khương An đang chỉ đạo công nhân xử lý làm lạnh để đóng vào hộp xốp đưa đi Hà Nội, cho biết: Ban đầu mở điểm thu gom  quy mô nhỏ, mỗi ngày thu gom 1 - 2 tạ cua nhờ xe khách đưa ra Hà Nội tiêu thụ. Nhưng do nhu cầu thị trường tiêu thụ cua khá mạnh nên đến thời điểm này phải mở rộng quy mô, thu gom ngày cao điểm 1,5 tấn cua. Gia đình có từ 5 - 7 công nhân làm việc liên tục để kịp đóng hàng đưa ra Hà Nội. Trời nắng nóng, để hàng đảm bảo tươi sống thì phải có kỹ thuật bảo quản. Sau khi thu gom cua về cho vào các thùng tôn rộng và chèn đá lạnh, đảm bảo nhiệt độ 20 - 22 độ C. Sau khi đóng hộp xốp xong, dùng xe máy chở hàng xuống ngã 3 Cầu Bùng (Diễn Kỷ - Diễn Châu) nhờ xe khách đưa ra Hà Nội cho các đầu mối đã liên hệ. Giá thu mua cua tại nhà là 85.000 đồng/kg, giá bán tại Hà Nội là 95.000 đồng/kg. Từ nghề thu gom cua mà mỗi tháng trừ chi phí anh thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng. Toàn xã Long Thành có 6 điểm thu gom cua đưa đi Hà Nội, như điểm thu mua của anh Khẩn “dam”, anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Văn Thành thu mua mỗi ngày từ 8 - 10 tạ cua. Riêng nghề thu gom cua tạo việc làm cho trên 40 lao động chuyên nghề đóng hàng cua, chưa kể là hàng trăm lao động bắt cua trên địa bàn xã. 
 
Trời mờ tối, chúng tôi tìm đến điểm thu mua cua của anh Nguyễn Tuấn ở ngã 3, xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu). Anh Tuấn đang tích cực đóng cua vào thùng xốp cho biết: Lúc đầu thu mua cua nhỏ lẻ bán cho các thương lái ở Yên Thành, nhưng tại đây có khá nhiều người bắt cua bán ở các xã Diễn Thái, Diễn Đồng, Diễn Xuân (Diễn Châu) đưa xuống nên 3 năm nay tôi đã mở điểm thu gom lớn để đưa cua ra Hà Nội. Hiện tôi có trên 30 “lái cua” chuyên đi lùng sục thu mua ở làng trên, xóm dưới. Từ chỗ thu mua ngày vài tạ cua, nay đạt 10 - 12 tạ, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Anh Tuấn còn mạnh dạn đầu tư mua ô tô vận tải để chở cua ra tận Hà Nội nhập cho các đại lý lớn. Tuy nhiên, nghề cua chỉ thịnh vượng vào mùa nắng nóng. 
 
Bài, ảnh: Văn Trường