Từ những ngày sau tết Nguyên đán Nhâm Dần n2022 đến nay số lượng người mắc Covid-19 liên tục tăng rất cao, đã ghi nhận vượt mức 60 nghìn ca/ngày. Số ca mắc tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Lào Cai, Hải Dương, Bắc Ninh… Có ý kiến cho rằng số ca mắc mới thực tế còn cao hơn số ca ghi nhận, báo cáo.
Cùng với việc gia tăng số ca mắc Covid-19 thì nhu cầu các trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch, nhất là các xét nghiệm nhanh, máy đo oxy máu, thuốc… cũng tăng rất cao. Những ngày gần đây tại một số nơi đã xảy ra tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu khi nhiều người dân đi mua các bộ xét nghiệm… “Hết hàng” là câu trả lời mà khá nhiều người mua nhận được khi hỏi mua bộ xét nghiệm nhanh tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Thủ đô. Nguyên nhân được các cơ sở bán hàng giải thích là do nhu cầu tăng đột biến, các cửa hàng thường không dự trữ nhiều.
Tình trạng này cũng tương tự đợt khan hiếm khẩu trang khi dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý, qua các kênh thông tin, cơ quan quản lý đã phát hiện có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Điều đó đặt ra những bài toán cho các cơ quan quản lý với mặt hàng quan trọng này.
Dịch bệnh gia tăng thì nhu cầu trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch gia tăng cũng là chuyện bình thường. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, làm việc với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để bảo đảm nguồn cung trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, yêu cầu các đơn vị thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Để tăng cường các biện pháp nhằm ổn định giá vật tư chống dịch, nhất là bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường, các bộ, ngành liên quan như Y tế, Quản lý giá, Quản lý thị trường, Hải quan… cần thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để bảo đảm giá bán ra phù hợp các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để bảo đảm bình ổn giá bán trên thị trường.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất sớm đưa bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá; kịp thời đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu; ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát quy trình để đẩy nhanh tiến độ cấp phép bảo đảm theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu.
Được biết, để tránh tình trạng đầu cơ nhằm trục lợi, hầu hết các cơ sở bán thuốc trên địa bàn Hà Nội đều phải ký cam kết không găm hàng thổi giá, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, vẫn có số ít người bán vẫn tự ý nâng bán giá cao hơn so với mức giá niêm yết để trục lợi. Điều đó đòi hỏi cần có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tính đến ngày 23/2, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2; trong đó có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu, do vậy nguồn cung sẽ không thiếu. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn rất cụ thể đối với các trường hợp nguy cơ (F1), các trường hợp bị nhiễm (F0).
Chính vì vậy, người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng bộ xét nghiệm khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường. Mặt khác, khi mua và sử dụng các sản phẩm lưu hành trên thị trường người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.