(Baonghean) - Hầu như năm nào voi rừng ở Pù Mát cũng ra vùng đệm VQG thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương để tìm món ăn “khoái khẩu” là măng non, rồi quậy phá chòi rẫy, hoa màu, thậm chí còn quật bị thương và chết một số người dân bản địa. Và cũng vì thế, người ta đã phát hiện một con voi bị sát hại để lấy đi cặp ngà. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhanh chóng có một giải pháp bảo vệ tính mạng của người dân vùng đệm, và bảo vệ đàn voi rừng châu Á số lượng còn rất ít ở VQG Pù Mát.
Khi voi rừng nổi cơn thịnh nộ
Trở lại vụ người dân bị voi rừng quật chết chưa lâu. Ngày 27/5/2011, anh Vi Văn Sinh (Lục Dạ-Con Cuông) là người trồng cây cho Công ty lâm nghiệp Anh Sơn đang cùng 3 người khác ngủ trong lán sát bìa rừng thì đàn voi rừng xuất hiện. Nghe tiếng động, anh Sinh tưởng là trâu liền chạy ra xua đuổi thì bị voi rừng quật chết, 3 người khác chạy thoát thân.
Tôi đã tìm về Bãi Lim, huyện Anh Sơn, nơi anh Nguyễn Hữu Thân từng bị voi giẫm gãy xương sườn và chân. Ông Nguyễn Cử kể lại: Cứ đến mùa măng, mùa lúa là voi lại về làm cho cả vùng Bãi Lim mất ăn mất ngủ. Có lần đang ngồi trong nhà thấy con voi đực dữ tợn lao trong rừng ra, nó đi trên chiếc cầu tạm khiến cây gỗ gãy đôi, cả mấy người tháo chạy. Voi dừng trước lán hua hua vòi như tìm muối, nhưng thấy mùi khói nó lại quay ra, tôi nghĩ nó mà nổi xung lên thì chỉ một cú húc thôi căn nhà tôi sẽ tan tành.
Dấu chân voi rừng ở Bãi Lim (Anh Sơn)
Ông Trần Hòa ở Khe Xán cho hay: Đàn voi rừng rất lạ, chúng ghét tiếng nổ động cơ và đồ sắt thép. Cả làng có 3 cái máy xay xát, nhưng vẫn phải gánh lúa đi xát nơi khác chứ nghe nổ máy là như bị kích động, chúng lồng lộn ào trong rừng ra bất chấp ngày, đêm dày xéo ruộng lúa, tấn công trâu, bò. Xe máy của bà con thường đi đến dốc Phân Thủy là phải tắt máy.
Chúng tôi lần đường vào thác Khe Kèm (vùng lõi VQG Pù Mát), anh Hoàng Hữu Sơn-Trạm trưởng trạm QLBVR Khe Kèm nói: “Khu vực thác Khe Kèm có nhiều vùng tre, nứa, chuối rừng nên voi thường xuyên ra kiếm ăn, hầu như tối nào voi cũng đứng trước sân bóng chuyền của Trạm, và chúng cũng không phá phách gì. Nhưng voi lại “chúa ghét” màu sắc lòe loẹt và đồ kim loại. Hệ thống cọc tiêu, biển hiệu trên đường vào thác Khe Kèm bị gãy đổ đều do voi quật.” Người đi tham quan du lịch ở chân thác Khe Kèm đều phải gửi ô tô, xe máy có người trông coi, để rải rác ven đường rất sợ bị voi giẫm. Như trường hợp của anh Vi Văn Xao ở Yên Khê vào thác chơi để xe ngoài bìa rừng đã bị voi dẫm nát. Để đối phó với voi rừng thì nhiều xã, bản đã thành lập đội dân quân, tự vệ kết hợp với bà con nhân dân vào mùa voi rừng hay về tổ chức canh gác, đốt lửa, khua chiêng gõ mõ. Một người dân ở Bãi Lim-Phúc Sơn tâm sự: Đuổi kiểu voi ấy cũng không an toàn, có khi mất mạng như chơi, ai chịu trách nhiệm cho. Bà con chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp để cách ly đàn voi rừng với dân để bà con yên tâm sản xuất làm ăn.
Sớm có giải pháp cứu voi rừng
Loài voi Châu Á tại Nghệ An hiện được phân bố tại 3 khu vực: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn Pù Huống, Pù Hoạt, riêng VQG Pù Mát được đánh giá có số lượng voi nhiều nhất với 3 đàn voi, với 15 cá thể.
Đàn thứ nhất có 5 cá thể phân bố ở Tây bắc thuộc các xã Tam Quang, Tam Đình, xung quanh núi Pù Xám Liệm, Khe Thơi, Khe Mặt, Khe Vằn. Đàn thứ hai có 3 cá thể tập trung ở trung tâm VQG gồm các xã Châu Khê, Yên Khê và Lục Dạ, đàn voi thường hoạt động ở rừng Khe Bu, Khe Choăng, Khe Kèm. Đàn thứ ba có ít nhất 7 con phân bố vùng đông nam thuộc xã Phúc Sơn, đàn voi thường xuất hiện khu vực Bãi Lim, Cao Vều... rồi di chuyển sang địa bàn huyện Thanh Chương.
Voi ở Pù Mát là loài voi châu Á (Elephas maximus) bộ có vòi (Proboscidea) thường sống ở rừng thứ sinh (rừng hỗn giao tre nứa). Voi sống theo đàn và có xu thế phát triển thành các nhóm nhỏ theo truyền thống gia đình gồm voi bố, voi mẹ và voi con. Voi được đánh giá là loài vật thông minh có khả năng nhớ dai và trả thù khi bị săn lùng ráo riết hoặc bị quấy rầy vùng sống của chúng. Vùng voi hoạt động rất rộng di chuyển để kiếm thức ăn, nước và muối. Vào mùa khô hiếm nước và thức ăn, một ngày voi có thể di chuyển trên 30 km, trên diện tích rộng khoảng 4000 ha, ban ngày voi tránh nắng trong rừng gần nguồn nước. Thức ăn của voi cũng khá đa dạng, VQG Pù Mát đã thống kê được 62 loài thức ăn trong đó có 51 loài cây rừng và 11 loài cây trồng.
Đàn voi rừng Pù Mát (ảnh VQG Pù Mát)
Vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng phát triển rừng nguyên liệu, rừng cao su đã làm thu hẹp sinh cảnh sống của loài voi. Đặc biệt là vùng đệm của VQG Pù Mát tại Bãi Lim (Cao Vều, Anh Sơn). Từ đó thiếu nguồn thức ăn và phạm vi sinh hoạt do đó voi thường xuyên di chuyển đến các khu vực dân cư để tìm nguồn thức ăn và xung đột với con người. Thực tế voi phá hoại hoa màu, đe doạ tính mạng người dân với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhưng sự phối hợp giữa chính quyền và các ban ngành liên quan để có biện pháp ngăn chặn xung đột giữa người và voi còn hạn chế.
Được biết Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 733/2006 QĐ-TTg “về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam", trong đó tập trung xây dựng và thực hiện 3 vùng bảo tồn sinh cảnh sống lâu dài của voi tại Việt Nam bao gồm các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông và tỉnh Đồng Nai nơi hiện nay đang có số lượng voi tốt nhất theo quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống.
Ông Trần Xuân Cường, Phó giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: Đến thời điểm này Dự án bảo tồn voi ở Nghệ An của Vườn quốc gia Pù Mát vẫn chưa được triển khai thực hiện, nguyên nhân chậm là do: Sau khi có Quyết định 733 của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh đã giao cho VQG xây dựng dự án bảo tồn voi, sau đó trình Bộ NN&PTNT để thẩm định. Bộ NN&PTNT lấy ý kiến góp ý của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Cục Kiểm lâm ... Sau đó tổng hợp và có công văn số 3318/BNN-KL ngày 29/11/2007 “về việc góp ý thẩm định dự án bảo tồn voi tại Nghệ An.” Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5250/QĐ-UBND ngày 26/11/2008. UBND tỉnh đã giao cho VQG Pù Mát mời các đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán. Sau hơn một năm thông báo tuyển chọn tư vấn mới có một đơn vị nhận lời, thế nhưng, thiết kế kỹ thuật và dự toán vẫn chưa được phê duyệt. VQG Pù Mát đã văn bản gửi Tổng cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT xin ý kiến về việc này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Trong lúc các hoạt động bảo tồn chưa được thực hiện thì suốt những năm qua đã có không ít vụ voi và người xung đột nghiêm trọng, người bị voi húc gãy xương, mất mạng, voi bị người giết lấy ngà. Nếu dự án bảo tồn đàn voi được thực hiện khẩn cấp theo đúng tinh thần Quyết định 733 của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ không có những hậu quả đau lòng trên.
Tại Việt Nam, trong vòng 20 tháng qua, ít nhất có 10 con voi bị giết hại (trong đó có 1 con ở Nghệ An bị giết) số lượng voi Việt Nam kể cả voi nhà lẫn voi tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt. Vì vậy cần nhanh chóng có một giải pháp cứu loài voi rừng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.