(Baonghean) - Được đánh giá là “khu rừng vàng” của miền Tây xứ Nghệ, là hành lang xanh của khu vực Đông Nam Á, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát đang được thế giới biết đến với một hệ đa dạng sinh vật đa dạng và quý hiếm. Trong nhiều năm qua, cán bộ của Vườn kết hợp với các cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước nỗ lực trong việc ứng dụng của các chương trình khoa học trong công tác bảo tồn các loại thú quý hiếm, nâng cao các giá trị và đa dạng sinh học của VQG.
 
Băng rừng, dựng lán, ghi chép 

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, Pù Mát được đánh giá là một trong số ít khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao nhất nước ta hiện nay, được ưu tiên ở cấp độ quốc tế. Tuy nhiên, làm sao để mọi nguời biết và đánh giá đúng các giá trị to lớn rừ rừng thì đó là sự cố gắng rất lớn của cán bộ VQG Pù Mát và các nhà khoa học trong và ngoài nước.
 
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc VQG Pù Mát, vốn là một trong những người điều phối của chương trình tổng điều tra vốn đa dạng sinh học. Năm 1998, Chương trình tổng điều tra đa dạng sinh học thuộc dự án “Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên” (SFNC) do Ủy ban châu Âu tài trợ cho VQG Pù Mát. Ông Nhàn kể: “Những ngày đầu, tôi và anh em cán bộ trong Vườn cùng với các nhà khoa học đã phải lặn lội đi bộ, lưng đeo ba lô lang thang hàng tháng trời trong rừng để thống kê, tổng hợp các loài, họ của hệ động thực vật trong vườn. Công việc tuy vất vả nhưng hết sức thú vị”.
 
Xen lẫn trong buổi trò chuyện là những lần ông Nhàn cao hứng kể về mỗi lần cùng đoàn các nhà khoa học đi xuyên rừng. “Khi chúng tôi và đoàn ngồi thuyền ngược sông Giăng đến bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông), các nhà khoa học rất bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ và của rừng. Càng đi sâu vào trong, ánh mắt ai cũng sáng lên trước cảnh vật thiên nhiên bày ra trước mắt. Những con thú quý hiếm, những loài cây lạ cứ hiện ra, thôi thúc cả đoàn tiếp tục vượt rừng”. Ròng rã gần 2 năm trời, cán bộ và các nhà khoa học lặn lội trong rừng sâu, mỗi lần đi cũng đến gần 1 tháng, đến tối là dựng lán gần suối để nghỉ ngơi, sáng mai lại tiếp tục đi. Cho đến năm 2000, một công trình khoa học được xuất bản, đó là hệ thống danh lục hệ sinh học của Vườn.
 
Nhận thấy được sự đa dạng về hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm tại Vườn, sau năm 2001, nhiều đoàn khoa học khác trong nước tiếp tục về Vườn, lại băng rừng để điều tra,  nghiên cứu. “Có những đợt, chúng tôi đi nửa tháng trong rừng. Cả đoàn chuẩn bị quần áo, lương thực, máy móc đi theo. Do đường đi khó khăn nên nhiều người lạc trong rừng gần 1 ngày mới tìm được lối ra, rồi như Kỹ sư Đỗ Tước (Viện Điều tra quy hoạch rừng) bị sốt rét nhưng phải đi đến 3 ngày mới về được Vườn để điều trị. Vất vả, khó khăn nhưng rừng có sức hấp dẫn kỳ lạ, cứ lôi cuốn, thu hút nên ai cũng rất hăng say”, anh Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc VQG Pù Mát cho biết.
 
Nhờ sự cố gắng và vượt khó mà danh lục hệ đa dạng sinh học của VQG Pù Mát ngày một tuơng đối đầy đủ. Đây là tiền đề, cơ sở để các nhà khoa học kế cận tiếp tục công tác nghiên cứu, điều đó cho thấy được giá trị to lớn của nguồn tài nguyên thiên nhiên của Pù Mát mang lại.
 
Những bức ảnh vô giá
 
Anh Cường chỉ cho chúng tôi những tấm ảnh chụp về các loài hổ, sao la .. rồi khoe: “Đây có lẽ là những bức ảnh độc nhất vô nhị mà cả nước mình không nơi nào có được”. Thấy chúng tôi còn phân vân, anh nói tiếp: “Hiện tại thì chỉ mới ở Pù Mát mới chụp được những tấm ảnh về hổ, sao la .. ngoài tự nhiên thôi. Đây là những bức ảnh ‘vô giá’ được chụp lại từ các máy ảnh tự động đó”.
 
Không chỉ có hổ, sao la mà còn nhiều loài động vật như thỏ vằn Trường Sơn, voi, cầy vằn, beo lửa …mà thường ngày thấy trên ti vi cũng được các thiết bị bẫy ảnh chụp lại một cách hết sức tự nhiên và sinh động. Những bức ảnh trên là kết quả của chương trình bẫy ảnh tự động nằm trong dự án “Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên” được thực hiện từ năm 1998.
 
Thông qua dự án, cán bộ của Vườn được chuyển giao các phương tiện kỹ thuật rồi được giảng dạy về cách thức sử dụng. Tiếp đó, cán bộ của Vườn sẽ trực tiếp đi đặt các máy ảnh tại nhiều điểm trong rừng. Qua đó, hơn được 556 bức ảnh của 50 loài thú, chim, bò sát trong đó có những loài thú quý hiếm lần đầu tiên chụp ảnh trên thực địa tại Việt Nam như là loài sao la (loài động vật đặc trưng nhất, thuộc họ móng guốc được quốc tế quan tâm trong quá trình bảo tồn), thỏ vằn Trường Sơn, hổ, voi, gấu chó, gấu ngựa, beo lửa, cầy vằn, vọc chà vá chân nâu (loài đặc hữu quý hiếm) ..
 
Năm 2004, anh Cường, lúc đó đang là Trưởng phòng khoa học của Vườn cùng đoàn các nhà khoa học đi vào rừng. Đi đến đâu, ai cũng bất ngờ vì chỗ nào có đặt máy thì hầu hết đều chụp được các loài động vật quý hiếm. Nhiều nhà khoa học hết sức sửng sốt vì không ngờ tại VQG Pù Mát vẫn còn có nhiều loài động vật quý hiếm như vậy. “Sau khi công bố các bức ảnh trên, nhiều nhà khoa học trực tiếp đến Vườn thực hiện nhiều chương trình điều tra các loài động vật mà lâu nay họ quan tâm. Sau đó, Vườn còn đề ra nhiều các kế hoạch bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Những kế hoạch này mang lại giá trị rất lớn không chỉ cho Vườn mà cho cả thế giới nữa”, anh Cường cho biết.
 
Trước thực tế mà tác động bên ngoài vào rừng như hiện nay, anh Cường lo lắng: Khó khăn lớn nhất của Vườn hiện nay chính là làm sao để công tác bảo tồn hệ tài nguyên quý hiếm vào loại bậc nhất ở VQG Pù Mát. Các kế hoạch bảo tồn các loài thú đã được thực hiện nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, nạn săn bắt, bẫy thú rừng của người dân vẫn diễn ra lén lút, cho dù các trạm QLBVR và các trạm kiểm lâm thường xuyên tuần tra, phát hiện và thu giữ. 


Phạm Bằng