(Baonghean) - Xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, chương trình giáo dục môi trường tại các trường học trên địa bàn có diện tích rừng được VQG Pù Mát quan tâm đặc biệt. Đây là những “vườn ươm” để những giá trị của rừng trường tồn mãi với thời gian.

“Em yêu Pù Mát quê em”
 
Dù đang là mùa hè nhưng mỗi ngày có rất nhiều em học sinh đến tham quan VQG Pù Mát. . Tôi quan sát thấy các em không hề tỏ ra nhút nhát, sợ hãi và còn rất thích thú. Nhiều em còn mạnh dạn đùa dỡn với những chú gấu mặt ngựa, những chú vượn mặt trắng được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.
 
Anh Lê Thành Đô, Phó phòng giáo dục môi trường và du lịch sinh thái (GDMT&DLST) vui vẻ: “Các em còn phân biệt được rất nhiều loại cây và loại động vật trong vườn; biết quy luật sinh sống và thức ăn của các loại động vật nữa. Đó là kết quả của chương trình giáo dục môi trường trong trường học mà chúng tôi đã thực hiện được trong nhiều năm qua”. Quả thật, ngồi nhìn các em trao đổi, chúng tôi không khỏi bất ngờ về những hiểu biết của các em về các loài động vật, dù có thể các em chưa một lần được nhìn thấy trực tiếp.
 
Em Lê Thị Tuyết, học sinh lớp 7B, Trường THCS Chi Khê (xã Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An) cho chúng tôi biết: “Hàng ngày ở truờng, cô giáo dạy rất nhiều về loài gấu. Chúng em còn được thi báo tường, thi vẽ tranh, được tham gia các câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên ở trường nữa”. Em Tuyết còn cho biết rằng, dù là một môn học ngoại khoá nhưng những học sinh như em rất hứng thú và trông chờ mỗi khi có tiết học. Mỗi buổi học, các em được thầy cô giáo truyền giảng về các loài thú, cây trong vườn, về cuộc sống, thức ăn, quy luật tồn tại của những loài động vật mà em chưa được thấy ngoài thực tế bao giờ.
 
Cô Hà Thị Long, Giáo viên trường THCS Lục Dạ (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) chia sẻ:  “Chúng tôi phải liên tục thay đổi nội dung giảng dạy, sử dụng nhiều hình thức giảng dạy trực quan sinh động như các hình vẽ, máy chiếu, các bài hát về rừng, tổ chức tham quan tại vườn để các em có hứng thú trong việc học. Mỗi năm, chúng tôi sẽ chọn một chủ đề, và các em sẽ dựa vào đó để tìm hiểu, phát huy vai trò trong những hoạt động ngoại khoá của mình. Chẳng hạn chủ đề của năm nay là ‘em yêu Pù Mát quê em”.
 
Được biết, cô Long là một trong những giáo viên có đóng góp rất lớn cho chương trình. Cô đã tự tay vẽ các hình ảnh các con vật lên các bài giảng để các em cảm thấy đỡ nhàm chán hơn khi học.

766644_small_64154.jpg
 Bảng báo tường của các em học sinh gửi về trong chương trình giáo dục môi trường và bảo tồn thiên nhiên do Vườn QG Pù Mát thực hiện.

Ươm “mầm xanh” để giữ rừng
 
Anh Trần Xuân Cường, Phó giám đốc VQG Pù Mát cho biết, chương trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì đối tượng giáo dục là các em học sinh – đó là những “mầm xanh” có thể giữ rừng và bảo vệ rừng trong tương lai. Ban đầu, chương trình nằm trong dự án “Lâm nghiệp xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” (SFNC) do Ủy ban châu Âu tài trợ cho Vườn từ năm 1998. Nhưng đến năm 2004, chương trình kết thúc. Ban lãnh đạo VQG Pù Mát đã quyết định thành lập Phòng GDMT&DLST nhằm duy trì chương trình được hoạt động liên tục. “Lúc đó, chúng tôi thiếu cả nhân lực lẫn vật lực, nhưng cứ nghĩ rằng nếu không có giáo dục môi trường cho người dân, mà ở đây là các em học sinh, chủ nhân tương lai thì sau này sợ không giữ nổi rừng”.
 
Hơn 7 năm qua, 9 cán bộ, nhân viên của Phòng miệt mài “đưa” rừng về đến tận từng trường, từng lớp học. “Bây giờ nhận thức và những hiểu biết về rừng, về tài nguyên thiên nhiên của các em đã nâng lên một cách rõ rệt”, anh Đô nói. Tuy nhiên, để có những buổi học như trên thì VQG Pù Mát phải ký kết với Phòng GD huyện Con Cuông và Huyện đoàn. Vườn có nhiệm vụ lên kế hoạch giảng dạy, soạn giáo án cho các bài giảng. Còn phòng giáo dục huyện thì tổ chức các lớp học lồng ghép vào chương trình học của các em.
 
Đến nay, Vườn đã kết hợp với 7 trường THCS trên địa bàn huyện, mở các câu lạc bộ (CLB) Giáo dục môi trường và bảo tồn thiên nhiên, thu hút hàng ngàn học sinh và giáo viên tham gia. Sinh hoạt trong các CLB này, các em được giáo viên truyền thụ những kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật, thực vật quý hiếm. Kết thúc mỗi kỳ học, Vườn sẽ kết hợp với Phòng Giáo dục huyện tổ chức đánh giá, trao giấy khen và có phần thưởng khích lệ những  em có thành tích cao nhất.

Hàng ngàn bài báo tường của các trường học trong hơn 7 năm qua là những tình cảm của các em đối với rừng. Bên cạnh đó, các em còn vẽ tranh để nói lên những suy nghĩ của mình đối với hệ sinh thái của rừng hiện nay.
 
Tuy nhiên, theo anh Đô thì cái khó hiện nay vẫn là nguồn kinh phí cho chương trình hoạt động. Mỗi năm, Phòng GDMT&DLST được trên “rót” xuống 40 triệu đồng cho công tác giáo dục môi trường, nên điều kiện hoạt động còn rất khó khăn. Anh em phải thường xuyên đi kêu gọi các dự án tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước nhưng hiệu quả cũng chưa cao. “Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với các giảng viên ĐH Vinh nhằm mục đích tập huấn cho các giáo viên trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, Vườn sẽ tổ chức nhiều cuộc thi về bảo vệ môi trường và mở rộng địa bàn hoạt động của chương trình”, anh chia sẻ.


Phạm Bằng