BẤT CẬP HẠ TẦNG CỤM CÔNG NGHIỆP
Theo Sở Công Thương, Nghệ An hiện đang quy hoạch phát triển 51 CCN với tổng diện tích 1.119,32 ha. Trong số 51 CCN được quy hoạch, đến nay, trên địa bàn có 39 CCN đã triển khai thực hiện các bước quy hoạch, 12 CCN nằm trong quy hoạch chưa triển khai.
Được biết, giai đoạn 2017 - 2018, các CCN đã thu hút được 241 doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn đầu tư vào lĩnh vực may mặc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lượng lao động lớn tại khu vực nông thôn với khoảng 21.000 lao động. Giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong CCN đạt xấp xỉ 3.655 tỷ đồng/năm.
Nhìn chung, các CCN trên địa bàn đều lựa chọn vị trí quy hoạch gần với các trục đường Quốc lộ hoặc các trục đường giao thông lớn nên thuận lợi trong đi lại và giảm tối đa chi phí đầu tư đường giao thông vào CCN. Thế nhưng, vẫn còn có dự án chưa thực hiện hoặc đang đầu tư dở dang như: Dự án đấu nối giao thông CCN Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn) vào đường Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện do kinh phí chưa đảm bảo thực hiện. Dự án đường giao thông vào CCN Đồng Văn (huyện Tân Kỳ) vẫn đang thực hiện dở dang do nhu cầu thu hút đầu tư vào CCN chưa có, hiệu quả đầu tư thấp.
Một bất cập khác là tất cả các CCN trên địa bàn không có hạng mục nhà ở cho công nhân trong quy hoạch chi tiết và thực tế hầu hết công nhân phải thuê nhà ở trong điều kiện chật chội không đảm bảo cuộc sống.
Chị Hồ Thị Hằng quê ở Tân Sơn, Quỳnh Lưu làm công nhân cho một doanh nghiệp may ở CCN Lạc Sơn (Đô Lương). 3 năm làm công nhân cũng chừng ấy thời gian chị phải thuê nhà trọ. Chị Hằng cho hay: Thu nhập của tôi ở Nhà máy chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà trọ đã hết 1 triệu đồng, rồi còn tiền điện, tiền nước, tiền ăn và nhiều khoản chi tiêu khác. Chi phí cho tiền thuê trọ tốn kém mà chất lượng phòng chật chội, nóng bức nên rất vất vả.
Một vấn đề nổi cộm nữa là các CCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh. Trong số 22 CCN đang hoạt động (có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) mới chỉ có 08 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để phát triển đồng bộ hạ tầng các CCN, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, theo tính toán, tổng nhu cầu nguồn vốn để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt là khoảng 9.104 tỷ đồng. Tuy nhiên đến đầu năm 2019, tổng nguồn vốn được bố trí mới chỉ đạt 2.110 tỷ đồng (chiếm 23%), giá trị khối lượng công việc hoàn thành đạt 2.239 tỷ đồng.
Vì thế, tiến độ đầu tư các CCN còn chậm và thiếu đồng bộ, hạ tầng chắp vá,... chưa xây dựng được CCN có hạ tầng kiểu mẫu. Công tác thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tỷ lệ các CCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải còn thấp. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hạng mục bảo vệ môi trường CCN còn chậm.
Vì thế, đề nghị các sở ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh năm 2019 - 2020 cho các dự án sau để kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu kế hoạch. Trong đó, riêng nhu cầu để bố trí theo Kế hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng CCN tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND đã được phê duyệt cho hai năm 2019 - 2020 là khoảng 59 tỷ đồng.
Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp, việc cân đối nguồn lực đầu tư cho hạ tầng các CCN phục vụ phát triển công nghiệp còn khó khăn, nên chăng, đầu tư dứt điểm CCN, không đầu tư dàn trải, nhỏ giọt.