Dự buổi làm việc, về phía Tỉnh ủy, có các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn -Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐTPT Cao su Nghệ An.
Công ty CPĐTPT Cao su Nghệ An là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, với ngành nghề chính là trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su. Công ty được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch điều chỉnh diện tích đất trồng cao su trên địa bàn 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Quế Phong là 8.947 ha.
Đến cuối năm 2018, diện tích vườn cây cao su của công ty là 4.363,52 ha, trong đó chăm sóc cao su KTCB là trên 4.266 ha, đã có gần 100 ha đưa vào khai thác; năm 2019 dự kiến khai thác diện tích 216,07 ha, năng suất cao su khai thác năm 1 dự kiến đạt tối thiểu 900- 1.000 kg/ha/năm. Tổng số CB, CNVCLĐ chính thức là 327 người.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐTPT Cao su Nghệ An nêu một số khó khăn. Hiện 4.600 ha đất còn lại theo quy hoạch chưa hoàn thiện công tác GPMB hiện vẫn thuộc quyền quản lý của các tổ chức, cá nhân, dẫn đến công ty không có đủ diện tích đất để trồng cao su theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong 3 năm liên tục từ 2016 - 2018 không hoàn thành kế hoạch trồng mới Tập đoàn giao. Ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An báo cáo về tiến độ thực hiện dự án phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phú Hương
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thông tin tới Thường trực Tỉnh ủy về một số lĩnh vực và kết quả hoạt động của Tập đoàn trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn tỉnh Nghệ An tạo điều kiện cho Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An được bàn giao đủ diện tích đất để trồng mới cây cao su, xây dựng các nhà máy chế biến theo kế hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Sở NN&PTNT báo cáo những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong vấn đề GPMB để bàn giao đủ đất cho công ty theo quy hoạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ: Dù có những giai đoạn khó khăn nhưng cây cao su vẫn luôn chứng tỏ được hiệu quả kinh tế, và Nghệ An luôn xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực cần ưu tiên phát triển của tỉnh.
Đồng chí Bí thư cũng khẳng định: Phát triển cây cao su là một hướng đi tốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, cả trong phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời cam kết, tỉnh sẽ có những biện pháp phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm bàn giao đủ diện tích đất cho công ty trồng mới theo quy hoạch đã được phê duyệt. Diện tích cao su ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương đã bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2018. Ảnh: Phú Hương
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị, hiện trên địa bàn tỉnh có hai nhà máy chế biến gỗ công suất lớn tại Nghĩa Đàn và Anh Sơn với nhu cầu nguyên liệu gần 700.000 m3 gỗ/năm. Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An nên có kế hoạch thu hoạch gỗ cao su bán nguyên liệu cho hai nhà máy chế biến gỗ sau khi hết chu trình khai thác mủ, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu sau này.