Báo cáo từ Sở Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,51% so với quý I/2018.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,97% so với cùng kỳ: bia các loại ước đạt gần 37 triệu lít, tăng 26,76; thức ăn gia súc ước đạt 32,4 triệu tấn, tăng 20,69%; sữa chế biến ước đạt 61,4 triệu lít, tăng 12,30%; xi măng ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 9,85%; điện thương phẩm ước đạt 716 triệu KWh, tăng 7,19%; điện sản xuất ước đạt 556 triệu KWh, tăng 7,54%...
Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức tăng trưởng thấp do nhu cầu tiêu thụ giảm: khai thác đá xây dựng ước đạt 547 nghìn m3, giảm 15,7%; đường kính ước đạt hơn 88 nghìn tấn, giảm 2,69%; sợi các loại ước đạt 3.459 tấn, giảm 26,06%; bao bì ước đạt 7,3 triệu bao, giảm 40,16%; sản phẩm tôn Hoa Sen các loại ước đạt 168 nghìn tấn, giảm 15,85%...
Công nghiệp khai khoáng giảm 3,63% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tiếp tục gặp những khó khăn do quy định mức giá để áp dụng tính thuế tài nguyên, tính phí bảo vệ môi trường cao, trong khi điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp và chất lượng, trữ lượng mỏ thấp. Ngoài ra, thủ tục thông quan, các quy định về cân bán khoáng sản và giám định mất nước,… cũng gây trở ngại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp thuộc nhóm ngành khai khoáng giảm so với cùng kỳ, một số sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến giảm và chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch như: bia các loại; thức ăn gia súc; bao bì; sản phẩm xi măng thành phẩm chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch...
Để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, theo ông Trần Thanh Hải, ngành sẽ tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản; nguồn nguyên liệu để giải quyết tốt khâu đầu vào và xử lý dứt điểm các hiện tượng tranh chấp đối với các doanh nghiệp chế biến (mía, sắn, keo, chè, cao su, bò sữa,...). Ngoài ra, thực hiện hiệu quả chương trình XTTM, hỗ trợ quảng bá và mở rộng kênh bán hàng để tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm bia, dệt may và các sản của địa phương…