Ông Nguyễn Châu Á – Tổng Giám đốc Oxalis Adventure: Định hướng lại, tăng cường quảng bá, huy động nguồn lực để phát triển du lịch
Với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa thì Việt Nam cần định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch của mình, bao gồm các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịchnghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với thị trường tiềm năng.
Một khi đã có những lĩnh vực then chốt thì Việt Nam sẽ dễ dàng quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nghề đến để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đi đầu và dẫn đầu xu thế thế giới.
Thứ đến, Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Đầu tư một khoản tiền tương xứng để ngành du lịch tăng cường quảng bá nhận thức tại các thị trường mục tiêu, nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm của họ đến khách hàng…
Ở Việt Nam, có thể áp dụng hình thức trích 5-10% kinh phí từ các nguồn thu tham quan danh lam thắng cảnh trên toàn quốc để tạo một phần ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá một cách bài bản. Một khi công tác quảng bá được thực hiện tốt thì khách du lịch sẽ yên tâm và mạnh dạn đến Việt Nam du lịch.
Hiện nay, những chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch của Chính phủ đang rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên từ cấp Chính phủ đến địa phương cần tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ, thuận lợi giúp cho du lịch phục hồi trở lại. Việc địa phương đưa khách là F1 đi cách ly tập trung và áp dụng những quy định ngặt nghèo cho du khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin khiến khách rất rụt rè khi đi du lịch…
Đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến tới khách du lịch tại các thị trường chiến lược, thị trường tiềm năng nhằm giúp cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận và mời gọi khách đến Việt Nam.
Cuối cùng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và để phát triển cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển du lịch và các ngành nghề liên quan, đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch;
Quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp với lợi thể của từng tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển chung của điểm đến du lịch Việt Nam; để mỗi địa phương có các sản phẩm du lịch đặc trưng, đẳng cấp và thương hiệu được khẳng định trên thị trường thế giới, tạo ra các vùng du lịch phát triển với các hạt nhân tiêu biểu để cạnh tranh với các nước trong khu vực, thu hút du lịch quốc tế.
ÔngNguyễn QuốcKỳ- Chủ tịch HĐQT Du lịch Viettravel: Hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không đứt gãy lao động trong ngành du lịch
Thống kê cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể những nhân công ở những mảng có liên quan. Song, vừa qua do dịch Covid-19 khiến lực lượng này bị thu hẹp lại và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Kết quả khảo sát của TAB mới đây cho thấy có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động mất việc.
Thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đã cạn lực. Vì thế, để hoạt động du lịch sớm được “hồi sinh”, một mặt các doanh nghiệp phải tìm cách giữ chân người lao động, mặt khác cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành. Vì vậy, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực.
Cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề.
Đề nghị Chính phủcân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp để hỗ trợ các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho phép doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng…
Để hỗ trợ người lao động, đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tác bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19mà không tính lãi, phạt chậm nộp nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế.