(Baonghean) - Chúng tôi đứng lặng  bên cột mốc km số 0  thiêng liêng,  nơi ghi dấu  những nhát cuốc đầu tiên mở đường con  chiến lược xẻ dọc Trường Sơn cứu nước - Tân Kỳ, Nghệ An.

Đường Hồ Chí Minh thênh thang chiều,  dáng núi bên đường bắt đầu đổ bóng. Tôi mường tượng thấy  những “tiểu đội xe không kính”, đâu đây tiếng động cơ rì rì của những cỗ Zin-ba-cầu phủ kín lá nguỵ trang, dưới gầm xe là  ánh sáng mờ mờ toả ra từ chiếc đèn nhỏ, những đoàn dân công hoả tuyến vội vã vá đường, tiếng cuốc, tiếng xẻng san đồi bạt núi, tiếng bước chân rầm rập ra trận, những bàn chân chiến sĩ “bước mòn đá xanh”...
 

762635_small_47825.jpgĐường Hồ Chí Minh qua Tân Kỳ.

Đường xưa...
 
Trọng điểm này. Tiếng xe và con đường. Những bóng áo trắng cọc tiêu sống. Những con người, những ước mơ và chờ đợi, những hy sinh lớn lao không thể nói bằng lời hôm nay... Con đường Trường Sơn lịch sử đã đỏo bao máu xương của một thời căm thù sục sôi, yêu thương cháy bỏng, một thời “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”.
 
Tân Kỳ là một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc hòng cắt đứt hoàn toàn mạch máu tiếp viện cho chiến trường miền Nam được chọn là điểm đầu tiên mở đường chiến lược. Đoàn công binh 559 - đoàn công binh và vận tải quân sự chiến lược phụ trách vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân Tân Kỳ đã bổ những nhát xẻng đầu tiên nơi đây, cùng với toàn tuyến, tạo nên một “ trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, có ý nghĩa thành bại đối với chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Đường Hồ Chí Minh  không chỉ là con đường giao thông mà là một chiến trường khốc liệt, là nỗ lực phi thường của Trung ương, của miền Bắc, của quân và dân ta để chi viện cho đồng bào chiến sỹ miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Quân Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn và vũ khí để triệt tiêu huyết mạch này. Từ những khí tài điện tử đến vũ khí hoá học, pháo đài bay B52, vũ khí thời tiết... Hai vạn chiến  sỹ và dân quân đã ngã xuống trên tuyến đường, 3 vạn người thương tật vĩnh viễn nhưng con đường đã bất tử.
 
Đường Hồ Chí Minh hôm nay đã thênh thang từ Cao Bằng đến Đất Mũi, không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong giao thương kinh tế mà còn là  sợi chỉ đỏ gìn giữ  truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Con đường  trở về cội nguồn của những thế hệ mai sau.
 
Thu hoạch cây giống.
Sức sống mới

 
Xe lướt êm ru trên dải đường Hồ Chí Minh chạy dài 37km qua Tân Kỳ. Nắng xuân ngời lên  đồi núi ngát xanh  hai bên. Hoa rừng đỏ thắm độ xuân chín choàng xuống hai bên taluy đường và lúa xuân xanh thì con gái.
 
Thôn mạc trù phú giữa xanh rừng trồng, xanh vườn cây ăn quả. Dừng xe nán lại ở Tân Hương, xã nay đã có 70 hộ dọc đường Hồ Chí Minh chuyên canh ươm giống cây rừng, bạch đàn và keo, mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con và trở thành một mô hình hiệu quả nhất ở Tân Kỳ bây giờ. Ba năm nay những người dân Tân Hương đã tìm được một lối thoát nghèo từ ươm giống cây trồng rừng nguyên liệu, ương giống cá, tạo mô hình hiệu quả về chuyển đổi cây, con... cho thu lãi mỗi năm hàng chục triệu đồng, đời sống ngày càng khấm khá, vươn lên giàu.
 
Bà con Nghĩa Hành, Nghĩa Hợp, Nghĩa Bình ngày xưa từ Diễn Châu, Quỳnh Lưu lên mang theo tập quán trồng rau màu, nhưng không tiêu thụ được, nay có đường lớn đã đẩy mạnh trồng rau màu hàng hoá, trồng dưa hấu, không chỉ tiêu thụ trên địa bàn, mà còn bán lên cho các huyện Anh Sơn, Đô Lương, ra Hà Nội…  Cam của Tân Kỳ, cây nguyên liệu giấy không còn bị ép giá bởi nhiều thương lái qua lại, đưa xe đến tận vườn mua.
 
Ông Nguyễn Duy Thuỷ- Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phấn khởi: “Trước đây Tân Kỳ được coi là “ngõ cụt”. Ba  năm nay có đường Hồ Chí Minh đi qua 6 xã và một thị trấn, từ Tân Kỳ thông thoáng vào Nam ra Bắc đã thuận tiện, huyện cũng xây dựng được một hệ thống đường xương cá hoàn chỉnh dọc tuyến phục vụ phát triển kinh tếvà dân sinh hiệu quả.

Trước đây, mỗi năm Tân Kỳ chỉ sản xuất được 30.000 tấn lương thực, nay mỗi năm phát triển lên 60.000 tấn bởi lúa, ngô được tiêu thụ tốt. Nghề rừng không phát triển, mạnh nhất là phong trào trồng rừng nguyên liệu. Đồng bào dân tộc Thái, Thổ dọc hai bên đường Hồ Chí Minh đã bỏ tập quán canh tác tự túc, tự cấp, học sinh đi học cần cù hơn do đường sá rút ngắn. Thị trấn Tân Kỳ nhờ có đường Hồ Chí Minh mà phát triển mạnh mẽ các trung tâm thương mại- dịch vụ. Tân Kỳ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh”.
 
Khách đến mua cây giống dọc đường HCM.
Đường Hồ Chí Minh có 120 km đi qua các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn của Nghệ An, là các vùng kinh tế trọng điểm của miền Tây Nghệ An, đang thức dậy những tiềm năng lớn lao: vùng chè Anh Sơn,Thanh Chương, vùng mía , cam, cà phê, cao su Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, cửa khẩu Thanh Thuỷ (Thanh Chương)... Sẽ thêm nhiều thị trấn mới được lập: Đông Hiếu, Nghĩa Lâm, Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn), Tri Lễ (Anh Sơn), Nghĩa Bình, Kỳ Sơn (Tân Kỳ), Hạnh Lâm, Thanh Mai (Thanh Chương)...
 
Theo quy hoạch đến 2020, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 20 đô thị, trong đó có một đô thị loại III, 1 đô thị trung tâm vùng núi phía Tây Nghệ An tương đương đô thị loại III ( nay là thị xã Thái Hoà), còn lại là các đô thị loại 4. Đường Hồ Chí Minh đang được kết nối với mạng lưới đường bộ một cách thống nhất, liên hoàn, nối  với quốc lộ 1 và các quốc lộ khác.
 
Đường Hồ Chí Minh - từ cột mốc số 0, thật đắm sâu tình người tình đất. Từ phút dừng chân được ăn quả dưa ngọt lịm của vùng đất đỏ ven đường, thưởng thức món cá hấp của người Tân Hương. Từ màu hoa đỏ của đại ngàn như đã, đang và sẽ thắm mãi để vinh danh huyền thoại con đường huyết mạch đi lên no ấm...
Bài, ảnh: Châu Lan