Nhắc tới tên tuổi nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 -2007), rất nhiều bạn yêu thơ nước ta nhớ tới chùm thơ của ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ (1969 -1970), trong đó có bài thơ "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". Bài thơ càng có sức vang xa, là nhờ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc...

762642_small_47880.jpg
Thuở nhỏ, Phạm Tiến Duật đã phải sống xa quê ở Thị xã Phú Thọ, đi trọ học. Tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ vào khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội. Ra trường, đúng vào thời điểm cả đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông xung phong vào quân đội.

Sau này, nhà văn Đỗ Chu trong cuốn tuỳ bút Thăm thẳm bóng người (2008), phần viết về Phạm Tiến Duật, đã nhớ và ghi lại cái không khí náo nức mà cảm động sau đây: "Một hôm, đồng chí Phạm Văn Đồng tới nói chuyện với tập thể thầy trò Trường đại học sư phạm Hà Nội, lúc sắp về đã hỏi, những ai ở đây tình nguyện đi chiến đấu? Hàng nghìn cánh tay con trai, con gái lập tức đưa lên, mái gồi hội trường lớn lay động trong tiếng hô Lên đường! Lên đường! Ông Thủ tướng tóc hoa râm từ trên bục nhìn xuống đám đông rừng rực, miệng thì cười mà đôi mắt lại rơm rơm muốn khóc. Rồi ông nắm chặt hai tay mình mà đưa lên cao...".

Dĩ nhiên, trong số hàng ngàn cánh tay con trai đưa lên hôm ấy, có anh sinh viên trẻ Phạm Tiến Duật. Ông đã cùng hàng trăm anh em khác thành người lính trong cuộc lên đường có ý nghĩa mở đầu của sinh viên thủ đô. Họ là sinh viên của năm thứ tư, khoa Ngữ văn, vừa đi dạy thực nghiệm về!

Hoà số phận mình vào số phận nhân dân, đất nước trong môi trường mới là quân đội, rồi được vào Trường Sơn đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cho ra đời nhiều bài thơ nóng hổi chất lính, tinh nghịch, trẻ trung, sâu thẳm tình đời, trong đó có bài thơ "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây". Bài thơ gồm 7 khổ, 28 câu, viết khoảng năm 1969, 1970- câu thơ thứ 3 của khổ thơ đầu: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" đã nói hộ cho rất nhiều bạn trẻ hăm hở ra trận những tháng năm ấy...

Sau ngày đất nước ta hoà bình (1975), có lần một người cũng cầm bút thời chống Mỹ đã chê câu thơ "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", và cho rằng phải nghĩ "ngược lại" mới đúng?! Quả là, người đó đã nhìn cuộc chiến tranh của ta một cách phiến diện, bi thương. Họ đã không hiểu rằng, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng có 14 năm quân ngũ, trong đó có 8 năm gắn bó với Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - phản ánh rất chính xác một hiện thực của đất nước ta, và cả của ông nữa, vào một thời điểm lịch sử!
Kim Hùng