Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Thu Hiền, sinh năm 1947, quê Hưng Phú, Hưng Nguyên, hiện cư trú tại khối Tân Phong, phường Lê Mao, Thành phố Vinh.

Tháng 3/1969, Hồ Thị Thu Hiền từ Đảng uỷ viên, Bí thư đoàn xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên được giao trọng trách làm Đại đội trưởng Đại đội 202 -N241- P31 thanh niên xung phong Nghệ An.

Tháng 2/1971, khi quân ta mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Đại đội TNXP 202 của Hồ Thị Thu Hiền được điều vào phục vụ chiến đấu mặt trận Cánh Đông và Cánh Bắc (mật danh là Mặt trận B70), nhiệm vụ cụ thể là chuyển tải thương binh của Sư đoàn 308 từ trong mặt trận về hậu cứ.

Chuyện ghi chép dưới đây là theo lời kể của Anh hùng Hồ Thị Thu Hiền: "Tháng 02/1971, Đại đội TNXP 202 chúng tôi đang làm nhiệm vụ mở đường mới từ Bình Quan lên Cổn (Tây Quảng Bình) thì nhận được lệnh gấp rút hành quân lên Đường 9 với nhiệm vụ chuyển tải thương binh từ trong mặt trận ra hậu cứ. Đơn vị mà Đại đội chúng tôi được phân công đưa thương binh ra là Sư đoàn 308 thuộc Cánh Đông mặt trận. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới. Ngoài tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương ra, chúng tôi chưa hề có được chút kinh nghiệm gì. Lại tác nghiệp trên một địa hình rừng núi hiểm trở và giữa chiến trường ngổn ngang bãi bom, bãi mìn của địch cài bẫy, máy bay oanh tạc, bộ binh địch phục kích... càng đòi hỏi tinh thần dũng cảm hơn bao giờ hết.

762629_small_47799.jpgAnh hùng LLVT Hồ Thị Thu Hiền

Sau khi khảo sát thực địa tuyến đường đưa thương binh từ điểm tập kết trong trận địa ra hậu cứ, chúng tôi thành lập tổ rà phá bom mìn gồm 8 người do tôi phụ trách. Với các phương tiện kỹ thuật mang theo, sau một đêm mò mẫm, chúng tôi đã phát hiện và vô hiệu hoá toàn bộ số bom, mìn địch cài vùi trên lộ trình tải thương đã vạch.

Hoạt động tải thương của đại đội 202 chúng tôi diễn ra trên lối đi tự vạch và cắm tiêu, đánh dấu cẩn thận, bắt đầu từ lúc khởi màn chiến dịch là ngày 8/2/1971 cho đến lúc kết thúc thắng lợi ngày 23/3/1971. Do số lượng thương binh nhiều, để chuyển nhanh ra tuyến sau, từ chỉ tiêu cấp trên giao 6 người thay nhau khiêng 1 thương binh, chúng tôi bàn bạc và rút xuống tỷ lệ 3/1 - tức là giảm một nửa mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để bảo vệ thương binh ra hậu cứ được an toàn, đơn vị chúng tôi không tránh khỏi mất mát, hy sinh. Đó là trận địch tập kích vào đội hình sáng ngày 15/3/1971. Rất may là trinh sát ta nghe tiếng súng nổ đã đến đánh trả địch và ứng cứu kịp thời. Lại nhớ hôm bị địch "nhốt chặt" ở dưới chân núi Tà Cơn suốt một ngày ròng. Tại đây, ta bố trí trạm trung chuyển thương binh từ trong ra để sơ cứu trước khi chuyển tiếp ra ngoài. Địch dùng máy bay thả bom và bắn đạn rốc - két hết tốp này đến tốp khác. Thương anh em thương binh bị đói, khát mà không biết làm sao được vì không thể đỏ lửa nấu nướng. Tôi luồn lách bò trườn xuống từng hầm động viên mọi người giữ vững tinh thần và tự tay phân phát từng ngụm nước dung dịch ít ỏi còn lại cho từng người cầm sức.

Khi địch ngừng đánh phá cũng là lúc trời tối hẳn. Chúng tôi nhanh chóng cáng thương binh ra khỏi hầm rồi lần mò tránh hố bom dày đặc rút về phía sau. Rất may là cả một ngày ngập chìm trong mưa bom bão đạn của quân thù nhưng không một ai bị thương vong.


Kết thúc chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân ta, tôi được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng III và được Bộ Tư lệnh B70 cử đi báo cáo thành tích tại Hội nghị tổng kết chiến dịch tổ chức tại một địa điểm trên tuyến đường Trường Sơn vào tháng 11/1971".


Chu Vĩnh Hiệp - (Trưởng ban TNXP và LĐ trẻ tỉnh đoàn NA)