(Baonghean) - Trong quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế, việc thường xuyên tham vấn các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng, hay các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ chuyên ngành để xây dựng lộ trình cam kết về thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng phù hợp với năng lực cạnh tranh trong nước và yêu cầu của đối tác... có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế là các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký đều được thực hiện trên nguyên tắc này và sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình đã cam kết. Vấn đề là sức chịu đựng và sức bật của DN trong nước như thế nào.

Thêm cơ hội lựa chọn hàng hoá
 
Có thể thấy qua việc Việt Nam cam kết giảm thuế mặt hàng ô-tô nhập khẩu từ Hàn Quốc là một thí dụ tiêu biểu. Theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với hai mặt hàng ô-tô về 0% sau 10 năm. Cụ thể: đối với xe ô-tô bốn bánh chủ động, được thiết kế chủ yếu để chở người, dung tích xi-lanh hơn 3.000 cc, loại có động cơ đốt trong kiểu pít-xtông đốt cháy bằng tia lửa điện thì sẽ cắt giảm thuế suất từ 68% năm 2016 và về 0% vào năm 2025. Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa, tổng trọng tải tối đa hơn 10 tấn nhưng không quá 20 tấn, có động cơ đốt trong kiểu pít-xtông đốt cháy bằng sức nén sẽ cắt giảm thuế suất từ 30% năm 2016 và về 0% vào năm 2025. 
 
Hay như trong hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với hơn 3.200 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng, khi thuế suất giảm như vậy thì hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ ồ ạt được nhập về Việt Nam, và với tâm lý sính ngoại, sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa của các DN trong nước. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rằng, việc hàng hóa nhập khẩu vào thị trường trong nước cũng sẽ giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế phần lớn đều là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như giống thủy sản, cây trồng; máy móc, thiết bị, thậm chí cả nguyên phụ liệu dệt may, da giày..., khi thuế nhập khẩu những mặt hàng này giảm thì DN Việt Nam có cơ hội nhập nguyên liệu sản xuất từ Nhật Bản có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, đồng thời sẽ giảm dần tỷ lệ nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
 
Rõ ràng, việc thực hiện lộ trình giảm thuế này cũng như thực hiện các cam kết trong các hiệp định tương tự đã đặt ra yêu cầu các DN trong nước cần phải chủ động, xác định lợi thế so sánh của mình, chuẩn bị các chiến lược kinh doanh để sẵn sàng cho cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đúng tính chất thị trường khi hội nhập.
 
Giảm dần phụ thuộc vào xuất nhập khẩu 
 
Như vậy, với 14 FTA song phương và đa phương, có thể thấy mức độ và tốc độ mở cửa hội nhập quốc tế của nước ta khá mạnh mẽ và mở rộng. Tốc độ, mức độ này một mặt tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, song cũng có tác động tới nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa phải là tác động mạnh. Chuyên gia kinh tế Vũ Ngọc Ánh cho rằng, do nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 20% tổng thu NSNN hằng năm nên những mối lo ngại về hụt thu NSNN do cắt giảm thuế quan là có thật, và đã xuất hiện từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Ngọc Ánh cũng khẳng định rằng trong thực tế thì sự tác động này không lớn và phần nhiều đều đã được dự báo chính xác đi đôi với những biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.
 
Theo ông Vũ Ngọc Ánh, trước hết đó là chính các FTA đã tạo điều kiện kích thích xuất nhập khẩu, góp phần tạo thêm nguồn thu NSNN bù đắp cho phần giảm thu do cắt giảm thuế quan, đặc biệt là sự phát triển mạnh của quy mô thương mại, của các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế môi trường. Thêm vào đó, với sự chủ động cải thiện sản xuất kinh doanh trong nước để cạnh tranh với các nước khác thì đương nhiên sẽ có khả năng tăng thu. Và điều quan trọng nhất là chính sức ép từ giảm thu thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các cam kết FTA sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế, cả DN lẫn cơ quan quản lý phải cơ cấu lại theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ xuất nhập khẩu (kể cả xuất khẩu dầu thô và khoáng sản thô) hướng mạnh vào các giải pháp tăng nguồn thu nội địa, vừa bền vững hơn, chủ động hơn và cũng thực chất hơn. 
 
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các DN phải thật sự mở rộng được thị trường, nâng cao được sức cạnh tranh từ bên trong thị trường trong nước, đủ sức chơi cùng sân với khu vực và thế giới. Rõ ràng, khi hàng rào bảo hộ thuế quan không còn nữa thì một chính sách nuôi dưỡng nguồn thu NSNN ngay từ sức SX-KD của DN là rất quan trọng. 
 
Bản thân DN phải chiến thắng áp lực bị cạnh tranh mạnh mẽ khi hội nhập, không sợ thua trên sân nhà. Và đây không chỉ là nhiệm vụ của DN, mà còn là nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong nghĩa vụ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện cho DN hoạt động; là nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc bảo vệ hàng hóa trong nước. Với tinh thần động viên, góp sức với DN bằng động thái tiêu dùng tích cực, không kỳ thị hàng nội địa như người tiêu dùng của các nước đã từng hành động, chính thái độ đúng mực, thông minh và ứng xử văn minh của người tiêu dùng sẽ trở thành động lực cho nền sản xuất hàng hóa nội địa.
 
Sông Hồng
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chúng ta có đủ sức để nắm bắt được cơ hội mà các FTA đặt ra, và chúng ta phải bảo đảm việc hội nhập càng nhanh càng tốt. Đã ra biển lớn sẽ phải gặp sóng to, nhưng không còn cách nào khác là phải vươn lên mạnh mẽ. Về tư duy phát triển, chúng ta phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường. Phải lấy hội nhập làm môi trường phát triển và lấy kinh tế thị trường làm nguyên tắc điều hành nền kinh tế. Có như thế mới có thể nắm bắt được cơ hội và hạn chế tối đa khó khăn, thách thức, chứ nếu chỗ này, chỗ kia còn tư duy bao cấp thì chưa thể hết khó khăn.