(Baonghean) - Nhớ hồi còn nhỏ ở quê, ngày mùa hay theo cha ra sân kho HTX trục lúa. Có mấy hòn trục làm bằng đá xanh cứ lăn qua, lăn lại theo chân người. Có lần, vừa vuốt những dòng mồ hôi chảy túa ra trên mặt, ông vừa nói “người dân cũng như hòn trục, đạp đằng nào lăn đằng đấy. Đạp xuống nước thì nói rằng ướt. Đạp lên bờ thì khen là khô. Cho sao, được vậy”. Lúc đó nhỏ, không hiểu ý ông nói gì.
images1179833_600xnxdantrithap_quanchuc2.jpg.pagespeed.ic.ukvbh4qlkx.jpgTranh minh họa: Internet
Chuyện tưởng như đã trôi vào dĩ vãng, nhưng mấy ngày gần đây bỗng bật dậy nhức nhối ở trong lòng. Ấy là khi nghe đài, báo đưa tin một vị lãnh đạo ngành văn hóa ở cái tỉnh vừa bỏ ra gần ba trăm tỷ đồng để xây Văn Miếu mà chưa biết để thờ ai, trả lời ráo hoảnh rằng "Không lấy ý kiến nhân dân" trước khi ra quyết định xây dựng. Vì theo cái ông “công bộc” của dân này là "dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến". Chưa hết,  trong phiên thảo luận về trưng cầu ý dân, một vị đại biểu Quốc hội thản nhiên nói rằng "dân trí thấp, không thể tuỳ tiện trưng cầu". Thấp nghĩa là chưa cao thay vì nói là dốt, là thiếu hiểu biết  nên ý kiến của dân chưa đủ độ tin cậy để tiến hành việc trưng cầu ý dân. Nghe xong sao thấy thương, thấy tủi cho phận làm dân quá.
 
Còn nhớ, trước Cách mạng Tháng Tám, hơn 90% dân số Việt Nam không biết đọc, biết viết. Vậy mà, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, dân ta đã vùng lên làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất, lập nên Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Rồi trải qua 2 cuộc chiến tranh với 30 năm bom rơi, đạn nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, đầy mưu trí, sáng tạo với những cách đánh giặc chưa hề có trên thế giới hay trong bất cứ cuốn binh pháp nào. Nhờ đó mà ta đã đánh thắng 2 đế quốc to hàng đầu thế giới hồi đó là Pháp và Mỹ. Người ta (cả trong nước và quốc tế) đã không ngớt lời ca ngợi là dân ta rất anh hùng, dũng cảm và thông minh. Cho dù, hồi đó, nước ta chưa có nhiều trường đại học như bây giờ. Dân ta chưa có nhiều người đỗ đạt và được đào tạo bài bản với đủ loại bằng cấp như bây giờ. Vậy mà, lúc đó, có ai dám buông lời là dân trí thấp đâu mà cứ một mực “dân ta thông minh, cần cù và gan dạ”. 
 
Còn bây giờ theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục năm học 2013 - 2014, cả nước có 214 trường cao đẳng, 214 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên cao đẳng và hơn 1,46 triệu sinh viên đại học. Nước ta còn có nhiều giáo sư và tiến sỹ. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 11 nghìn giáo sư và phó giáo sư và khoảng 24 nghìn tiến sỹ, cả trăm nghìn thạc sỹ. Đó mới chỉ là con số trên giấy tờ, còn soi rọi vào thực tế thì thấy có biết bao người dân đã sáng tạo ra đủ thứ máy móc phục vụ cho công việc mưu sinh của họ. Có người còn chế tạo được cả tàu ngầm, máy bay lên thẳng, xe thiết giáp được nước ngoài phong hàm đại tướng quân nữa. Không thông minh, tài giỏi sao làm được những việc đó.
 
Nhìn vào đó, thật khó mà nói là dân ta trí thấp. Vậy mà lại có người công khai chê trên báo chí, phát biểu trước Quốc hội là dân trí thấp, dân biết gì đâu mà hỏi. Xem ra thì việc đánh giá trí tuệ người dân cũng trồi sụt, lên xuống thất thường như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Khi thấy có giá trị cho ai đó kiếm lời thì đẩy giá lên vùn vụt. Còn khi thấy không có lợi lộc gì thì cho tuột dốc không phanh. Cần phải nói cho sòng phẳng rằng, cái món tiền gần 300 tỷ xây Văn Miếu đó là lấy từ ngân sách nhà nước và các chi phí để chi trả cho cái ông đại biểu nói dân trí thấp ngồi trong hội trường làm vai trò đại diện của dân cũng là do ngân sách nhà nước chi trả. Mà ngân sách là do dân nộp thuế mà có. Cho nên, đó là tiền dân. Không nên lấy tiền của họ chi tiêu vô tội vạ rồi lại quay ra chê bai trí họ thấp, trình họ kém.
 
Nghe thật không phải, không hợp đạo lý làm người chút nào hết. Hơn nữa, các vị là công bộc của dân, nếu để dân trí thấp là có lỗi của các vị. Mặt khác, nếu các vị thấy đúng là  trí dân thấp thì phải có số liệu, sự việc cụ thể để chứng minh. Đừng nói một cách hồ đồ, thiếu căn cứ. Thích thì khen, không thích thì chê. Khi muốn khoe thành tích giáo dục thì ca ngợi là nền giáo dục ưu việt đã thành công xoá mù chữ, nâng cao dân trí. Nhưng khi có ai đề nghị cải cách cái gì đó, nếu không muốn thì lại đổ thừa cho dân trí còn thấp, chưa thể tiến hành được.  Cái lối hành xử theo kiểu áp đặt đó không còn phù hợp và đó cũng là một biểu hiện của lối sống xa rời dân, coi thường nhân dân. Cứ coi dân như hòn trục, thích đằng nào thì đạp đi về đằng đấy. Cần phải loại bỏ cái tư duy “hòn trục” đó đi.
 
Bụt Sơn