(Baonghean) - Trần đời mình chưa thấy ai ham đọc báo như ông mình. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng thấy cắm cúi vào tờ báo. Hết báo Nhân dân, báo Nghệ An, An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Thanh niên,… thôi thì đủ cả. Đọc hết các bài “đinh”, ông đọc cả đến từng mục nhỏ. Ngay cả phần dự báo thời tiết, ông cũng không bỏ sót!
Có đợt mưa tầm tã mấy ngày trời, người ta không đi giao báo, ông mình ở nhà buồn thiu, đi ra đi vào thơ thẩn như người mất hồn. Một lát sau, đã thấy ông đeo kính, cặm cụi ngồi bên chiếc bàn mây, chăm chú đọc báo…Thiếu niên tiền phong của bé Bim nhà mình. Bim trông thấy la toáng lên: “Sao cụ lại đọc báo của cháu? Cụ có phải là thiếu niên nhi đồng đâu?”. Ông gãi đầu, cười móm mém: “Không có báo đọc, cụ thấy thiếu thiếu thế nào, Bim cho cụ mượn đọc tạm nhé!”. Sau hôm ấy, thỉnh thoảng mình vẫn thấy ông đọc trộm báo của Bim, có hôm ông đọc Toán Tuổi Thơ xong cũng ngồi đem giấy bút ra nắn nót giải toán, bảo mình bỏ phong bì đề tên Bim nhà mình gửi đến toà soạn. Ấy thế mà lời giải được đăng báo hẳn hoi, cả nhà xúm vào khen Bim rối rít làm con bé ngơ ngác chẳng hiểu gì, chỉ có mình là nhìn ông tủm tỉm cười.
Ông vẫn thường bảo mình: “Thanh niên sức dài vai rộng mà không biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh thì hỏng, hỏng nặng cháu ạ! Phải chăm đọc báo, theo dõi tin tức hàng ngày để biết thế giới đổi mới ra làm sao, xã hội phát triển như thế nào. Cháu còn trẻ, chưa quan tâm đến chính trị thì cũng nên tìm cho mình một chủ đề, lĩnh vực nào đó: thể thao, văn hoá, nghệ thuật, công nghệ, khoa học, kinh tế,… Thời đại truyền thông thông tin, mình không thể u ơ, tụt hậu được!”. Mình biết là ông nói có lý, nhưng cứ nghĩ đến việc sáng sáng cầm tờ báo giở ngược, giở xuôi lại đâm nản. Tuổi trẻ mà, thích nhanh, thích tiện, thích chạy nhảy đó đây. Nên có đôi lần ông góp ý, mình đã chống chế thế này: “Đọc báo mất thời gian lắm ông ạ!”
Nói xong, bản thân mình cũng tự thấy ngượng mồm. Chẳng là hôm nọ ông có phàn nàn rằng mình bỏ nhiều thời gian cho mạng xã hội quá, nên chịu khó đọc báo chính thống (kể cả là báo mạng cũng được) để cập nhật những thông tin có tính “nghiêm túc” hơn. Ai đời thanh niên thời đại mới mà hiểu biết về công nghệ chỉ hơn ông được ở mỗi khoản dùng facebook, chứ nhắc đến vấn đề gì ông cũng rành rọt, hiểu biết sâu hơn mình nhiều! Ngay cả đến trận bóng giữa Barcelona và Juventus vừa rồi, trong khi mình mải cập nhật dòng trạng thái trên facebook để…”câu” like thì ông chăm chú nghe bình luận trên tivi, trên radio và đọc cả bình luận trên báo mạng! Thế nên kết quả chung cuộc hoàn toàn có thể dự đoán trước: tỷ số nghiêng về ông nội khi ông nắm chắc từng chi tiết mấu chốt của trận đấu, còn mình thì thông tin duy nhất đọng lại một cách chắc chắn là tỷ số mà thôi!
Để thấy, việc đọc báo, theo dõi thông tin thường xuyên là một thói quen mà ta cần phải rèn luyện. Hơn cả một thói quen hay một việc nên làm, đó gần như là nghĩa vụ nếu như ta có ý thức sống như một công dân có ích, quan tâm đến sự phát triển của xã hội và mong muốn góp phần vào chặng đường chung đó. Hay có khi nào ta lật ngược vấn đề, rằng đó chính là một quyền lợi đáng quý: quyền được cung cấp thông tin, được biết về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bởi, như ông mình từng nói: “Thông tin chứa đựng sức mạnh to lớn không tưởng, trong những hoàn cảnh, thời khắc nhất định, thông tin có thể là hy vọng duy nhất mà ta mưu cầu, kết nối ta với hiện thực xung quanh”.
Hải Triều