Phát biểu sau trận chung kết lượt đi AFF Cup 2020 (ĐT Indonesia - ĐT Thái Lan:0-4), HLV Shin Tae-yong khi được hỏi “đội bóng nào mạnh nhất khu vực” đã trả lời “Thật khó nói đội bóng nào mạnh nhất chỉ sau một trận đấu, nhưng tôi có thể khẳng định Thái Lan và Việt Nam là 2 đội mạnh nhất khu vực dựa trên những gì đã thể hiện tại giải đấu này, nhất là Thái Lan…”.
Nên nhớ, đây là phát biểu của một người từng là HLV trưởng ĐT Hàn Quốc, đội bóng từng đánh bại ĐT Đức tại World Cup 2018 (2-0) và hiện đang bắt tay làm lại với bóng đá Indonesia tiến bộ rõ nét qua kỳ AFF Cup này, đồng thời sẽ là thế lực đáng gờm tại kỳ SEA Games sắp tổ chức tại Việt Nam (5/2022). So sánh mọi mặt giữa 2 đội tuyển Việt Nam và Thái Lan là một câu chuyện dài và không hồi kết, nhưng với những gì thể hiện ở AFF Cup 2021 cũng sẽ cho thấy một cái nhìn rõ nét về cách làm, cách chơi, về thực lực đáng gờm của người Thái lâu nay ở khu vực.
Trước hết, ĐT Thái Lan vừa trải qua một thời kỳ “cơm không lành, canh không ngọt” với một loạt các HLV ngoại, sau thời kỳ thăng hoa với HLV Kiatisuk. Cho đến khi HLV A. Polking ký hợp đồng ngắn hạn 6 tháng với nhiệm vụ vừa tầm là lấy lại ngôi vua khu vực từ tay ĐT Việt Nam, các tuyển thủ Thái Lan tập hợp trong và ngoài nước chỉ có vỏn vẹn 7 ngày tập trung quân (dù muốn cũng không thể vì các CLB nước ngoài đang thi đấu, phải tuân theo quy định của FIFA, hay còn gọi là “ngày FIFA-tức ngày CLB phải nhả quân cho các đội tuyển quốc gia nếu được yêu cầu). Vậy mà họ vẫn thi đấu bình thường, gắn kết khi được giao nhiệm vụ. Nên nhớ, ĐT Việt Nam tập trung quân và thi đấu liên tục 7 tháng nay, nhưng thử hỏi có đạt được kết quả như người Thái là điều rõ như ban ngày?
Điều thứ hai, về lực lượng, bất cứ đội bóng nào cũng có quyền tập trung trên dưới 30 tuyển thủ, trước khi thi đấu được đăng ký danh sách 23 cầu thủ, có nghĩa là tất cả có chung một số lượng quân đem đến giải, trừ ĐT Malaysia làm ngược đời khi không mang đủ 30 người và hậu quả nhãn tiền). Vậy mà trong trận đấu quyết định ngôi nhất, nhì bảng với chủ nhà Singapore, ĐT Thái Lan tung ra một đội hình hoàn toàn mới mẻ so với 2 trận trước, cất hầu hết các trụ cột để dưỡng sức cho trận bán kết. Tiếp nữa, trong trận chung kết lượt đi, ngoài 2 cầu thủ buộc phải nghỉ do chấn thương và thẻ phạt, ĐT Thái Lan tung vào sân một tiền đạo hoàn toàn mới đá cặp cùng T. Dangda là B. Phala (ghi bàn thắng thứ 4), trung vệ E. Dolar thay cho M. Bihr, T. Do thay B.Theerathon, P. Roller thay W. Narubadin…
Để nhớ lại rằng, ở vòng bảng, ĐT Việt Nam với đầy đủ anh tài đã mướt mồ hôi mà không ghi nổi một bàn thắng vào lưới ĐT Indonesia trẻ trung. Trong khi đó, dù thay đổi rất nhiều vị trí chính thức, thậm chí có người còn lần đầu đá chính, ĐT Thái Lan chỉ mất vài chục giây bóng lăn đã khiến hàng thủ ĐT Indonesia chao đảo, mất phương hướng và ngay sau đó đã phá lưới đội bóng này ở ngay phút thứ 2! Còn sau đó là 3 bàn thắng, trong đó có cú đúp của Chanathip, đủ nói lên rằng, điều ông Shin Tae-yong nói “nhất là Thái Lan” hẳn là chứng minh ai mạnh nhất tại giải này, nhất là lực lượng của người Thái hùng hậu, chất lượng không thua kém nhau là bao dù đá chính hay dự bị!
Trong khi đó, tại AFF Cup lần này, ĐT Việt Nam dù thay hầu hết những quân bài tốt nhất khi cần thiết nhưng cả 3 trận đấu trước ĐT Indonesia 9 (vòng bảng), trước ĐT Thái Lan (2 trận bán kết) đều không ghi được bàn thắng nào đủ thấy lực lượng của chúng ta đang bị “cùn mằn” và bị nhận diện rõ đến mức nào trước đối thủ?
Từ câu chuyện bóng đá lại nhớ tới câu chuyện cầu mây, cũng về lực lượng. Khi cầu mây Thái ra đời từ thế kỷ XV, thường xuyên có hơn 10 trung tâm huấn luyện trong nước với hàng nghìn vận động viên chuyên nghiệp và có thể tuyển chọn 3 đội hình cho một nội dung thi đấu thì Việt Nam chỉ có một vài trung tâm huấn luyện tạm coi là tốt ở Hà Nội hay Nghệ An.
Vì vậy, việc cầu mây Việt Nam soán ngôi người Thái chỉ diễn ra với chiến công của bộ ba Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Thu Thủy… ở SEA Games 2003 và ASIAD 15/2006 mà thôi. Cũng như bóng đá, ĐT Việt Nam 2 lần vượt qua người Thái vào các kỳ AFF Cup 2008 và 2018, rồi lại trở về với một thực tại là chúng ta phải phấn đấu, phải cố gắng vượt qua người Thái trước khi nói đến những chuyện lớn lao hơn.
Để thấy, dù muốn dù không, bóng đá Việt phải thay đổi toàn diện, căn cơ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại như cách người Thái đã và đang làm, cả về chiến lược lẫn chiến thuật trong từng giai đoạn, từng giải đấu cụ thể. Sâu rộng về phong trào, vững chắc về nền tảng, chuyên nghiệp, vươn tầm về đỉnh cao, tận dụng tốt nhất các nguồn lực ở trong và ngoài nước… mới có thể hy vọng sớm bắt kịp khu vực và bước ra thế giới, điều mà người Thái đi trước chúng ta nhưng cũng chưa hẳn là thành công khi bước ra châu lục, như tại các kỳ lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup. Tất nhiên, không chỉ học theo người Thái là đủ, mà cần nhiều cách học, cách làm sáng tạo nữa, không phải trong một sớm, một chiều.,.