(Baonghean) - Tham nhũng được ví như là “giặc nội xâm”. Loại giặc không gây ra cảnh đầu rơi, máu chảy nhưng lại gây tổn thất nguồn lực kinh tế của đất nước và làm suy yếu sức mạnh của bộ máy công quyền. Lớn hơn, nguy hại hơn là làm mất lòng tin của người dân đối với chế độ. Mà mất lòng tin là mất tất cả.
 
Nhưng làm thế nào để trị “giặc nội xâm” một cách có hiệu quả thì là vấn đề rất khó. Vì lẽ, thứ giặc này nằm ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt là ở những cá nhân có quyền lực. Theo cách phân loại của ngành Nội chính thì tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ. Có chức, có quyền, có tiền thì rất dễ “một tay che cả bầu trời”. Tham nhũng không dễ gì để cho người khác “bắt tận tay day tận trán” được. Thế nên, chỉ có một cách là bắt nó phải lộ diện. Vì thế, người ta đã nghĩ ra phương án buộc những người có chức vụ trong bộ máy công quyền kê khai, làm rõ nguồn gốc tài sản để so sánh, đối chiếu với mức thu nhập nhằm làm lộ ra phần tài sản bất minh do tham nhũng mà có. Nhiều người đã nghĩ, cứ mạnh tay truy hết ngọn nguồn tài sản của cán bộ, công chức và người thân thì chắc chắn sẽ tạo một sự đột phá trong hoạt động phòng chống tham nhũng. Sẽ thắng “giặc nội xâm” để nước nhà hùng mạnh. Do vậy, kê khai tài sản được coi như là một thứ vũ khí đặc hiệu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Thậm chí, có người đã ví việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào “giặc” tham nhũng.
 
Thế nhưng, loại “vũ khí đặc hiệu” đó đang có nguy cơ bị vô hiệu hóa. Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/5, có 995.383/999.416 người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,6%. Qua xác minh 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, chỉ phát hiện 4 người “không trung thực”. Riêng Thủ đô Hà Nội, vùng đất “bờ xôi, ruộng mật” bậc nhất cả nước, trong 6 tháng đầu năm nay chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tham nhũng. Nghe báo cáo xong, sao không thấy mừng cho sự liêm khiết của cán bộ, công chức xứ ta. Vì nếu đó là sự thật thì bao năm nay “giặc nội xâm” là không có thật. Là “báo động giả”. Nhưng nếu thế thì sao lại lập ra cả một hệ thống chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương để làm gì. Không lẽ lập ra chỉ để đánh nhau với thứ giặc trong tưởng tượng kiểu Đôn-ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Còn những ồn ào, dị nghị lâu nay trong dư luận về các “công bộc của dân” lương còm mà ở biệt thự, đi xe hơi đắt tiền, con du học nước ngoài không lẽ là ảo, là luận điệu chống phá của “các thế lực thù địch”?...
 
Xin được khẳng định lại, tham nhũng là có thật, không phải bóng ma do ảo giác gây ra. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã từng khẳng định như vậy và đã đề ra không ít chủ trương, biện pháp để phòng chống. Và kê khai tài sản là một trong các biện pháp đó. Còn dân chúng thì ai cũng biết, cũng thấy và không ít người là nạn nhân của nạn tham nhũng. Pháp luật cũng đã từng trừng trị những tội phạm tham nhũng. Thế nên, không thể nói là không có tham nhũng mà chỉ có thể khẳng định là “vũ khí đặc hiệu” để trị tham nhũng là kê khai tài sản đã và đang bị vô hiệu hóa. Và kết cục là như vị đại biểu Quốc hội khả kính Dương Trung Quốc đã nói, chúng ta chống “giặc nội xâm” - tham nhũng rất rầm rộ nhưng “chưa có viên đạn nào gây sát thương giặc”.
 
Nói ra như vậy, để đi đến một kết luận là phải thay đổi “phương án tác chiến” để “vũ khí đặc hiệu” nói trên không bị vô hiệu hóa.
 
Duy Hương