(Baonghean) - Kỳ thi đổi mới theo kiểu “hai trong một” đã kết thúc. Trong những cái mới, có một chuyện cũ, rất cũ vẫn cứ diễn ra như cũ. Đó là môn Lịch sử vẫn chịu cảnh “cô đơn” vì rất ít học sinh chọn thi môn Sử.
 
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Sử là môn ít học sinh lựa chọn nhất với khoảng 153.600 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm 15,3% tổng số người dự thi trong cả nước. Thế nên, trong buổi thi Sử sáng 4/7 vừa rồi có không ít hội đồng thi chỉ lác đác vài thí sinh, thậm chí có nơi chỉ có 1 em đến dự thi. Nhiều điểm thi đã đóng cửa vì không có người thi như cụm thi ở Thành phố Đà Nẵng đã đóng cửa 24 điểm thi, Quảng Ninh đóng cửa 10 điểm thi, Trà Vinh 8 điểm thi, Huế 19 điểm thi... Chuyện người học “kỳ thị” với môn Sử là chuyện xảy ra từ nhiều năm nay. Không phải là chuyện mới, chuyện lạ. Mà cái sự lạ ở đây nằm ở chỗ là xã hội đã gióng tiếng chuông báo động về tình trạng “dân ta không biết sử ta, không thích sử ta” từ lâu rồi mà ngành Giáo dục vẫn loay hoay, chưa có giải pháp nào khả dĩ cả. Mà chỉ biết đổ lỗi cho nhau. Người học thì đổ lỗi là do giáo trình Lịch sử khô khan, người dạy Lịch sử cứng nhắc. Người dạy thì cho là ngành thiếu quan tâm, thiếu sự đầu tư thích đáng cho bộ môn phụ này. Ngành Giáo dục thì lại đổ cho cuộc sống bây giờ là như thế. Là không ai muốn học môn Lịch sử cả, vì đó không phải là một nghề để sau này ra đời kiếm sống. 
 
Đúng là học Sử không phải là để trang bị loại kiến thức để sau đó dùng nó đi kiếm tiền. Nhưng học Sử là để hiểu về những gì cha ông đã làm, hiểu về đất nước, về con người và hiểu về những giá trị mà con người hiện nay đang được hưởng. Học Sử còn là để hun đúc tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Những cái đó mang lại một giá trị vô cùng to lớn và tiềm ẩn trong mỗi con người, tất nhiên không thể tính được bằng tiền. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí lúc còn sống đã từng nhắc nhở "Dân ta phải biết Sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với mỗi một cá nhân thì lịch sử là "Ngày hôm qua". Nhưng để ngày "Ngày hôm nay" có một cuộc sống bình yên và để tránh được những sai lầm cho  "Ngày hôm mai" thì tất nhiên là phải hiểu biết, nắm bắt, nhớ được những gì đã xảy ra trong quá khứ để rồi soi rọi, so sánh với những việc làm và những kết quả trong "Ngày hôm nay", từ đó,  rút ra những bài học kinh nghiệm, để có thể tiếp tục sống an lành và thu được kết quả đẹp trong "Ngày hôm mai" ... Ai mà không biết làm như vậy, hẳn nhiên là không thể tồn tại và phát triển được. Với cả một quốc gia, dân tộc, việc phải nắm bắt đầy đủ, hiểu sâu, hiểu kỹ lịch sử nước nhà cũng có ý nghĩa như vậy thôi, nhưng ở tầm vóc cao cả và quan trọng hơn gấp bội lần. Nói sơ qua như vậy, để thấy lịch sử có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự tồn vong của nước nhà.
 
Học sinh của ta không thích học, không thích nghiên cứu lịch sử không chỉ là do giáo trình, lối dạy nhàm chán và do đó không phải là một nghề kiếm tiền thì còn do các em không nắm được tầm quan trọng, ý nghĩa, giá trị to lớn của bộ môn Lịch sử. Lỗi này rõ ràng là do ngành Giáo dục đã không giúp các em nhận thức được đầy đủ và sâu sắc của việc học Sử. Thậm chí, ngành Giáo dục cũng còn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của bộ môn này nên mới xếp, mới coi môn Lịch sử là môn phụ. Môn tự chọn, thích thì học, không thích thì thôi. Vì thế mà khi thấy học sinh thờ ơ với lịch sử cũng coi là chuyện bình thường, không cho đó là một hiểm họa vong bản, mất gốc trong tương lai nên không vội vã, không mặn mà tìm cách giải quyết.
 
Vì thế, không chỉ học trò mà bản thân ngành Giáo dục cũng nên nhận thức lại một cách đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của bộ môn Lịch sử đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Để từ đó có những sửa đổi kịp thời, phù hợp đưa bộ môn Lịch sử trở về đúng với giá trị thật sự cao quý của nó. Phải nhận thức được như thế chứ đừng đổ lỗi cho cuộc sống.
 
Duy Hương