(Baonghean) - Kỳ thi “hai trong một” đã kết thúc. Còn có “thành công tốt đẹp” như thường lệ hay không thì chưa thể nói trước được vì vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể ngã ngũ. Ngay cả việc đơn giản, dễ thấy ngay được là vấn đề kinh phí cho những người đi thi không hẳn đã tiết giảm được như kỳ vọng. 
 
Sở dĩ nói như vậy là vì, trước khi kỳ thi diễn ra, không ít người đinh ninh rằng, kỳ thi năm nay chắc chắn sẽ đỡ gây tốn kém, phiền hà cho các gia đình và toàn xã hội. Bởi với 99 cụm thi rải khắp các tỉnh thành trên cả nước thay vì thi tập trung như trước đây, cự ly phải di chuyển của thí sinh và người nhà đã giảm đi đáng kể, xa nhất cũng chỉ 200 km thay vì cả ngàn km; thay vì hàng triệu thí sinh, phụ huynh phải di chuyển, giờ đây chỉ một lực lượng nhỏ hơn gấp nhiều lần là giám thị sẽ phải di chuyển (nếu có). Đó là bài toán “vận trù học” có lợi cho hàng triệu người dễ thấy. 
 
Thế nhưng, ở đời lại có những chuyện “thấy vậy, nhưng không phải vậy”. Trong chuyện đổi mới thi này cũng dễ là như vậy lắm. Cứ nói thì sinh chỉ phải thi một lần, không phải di chuyển xa, tiết giảm được chi phí. Tính kỹ thì không chắc đã vậy. Ngày trước, thi tốt nghiệp tại trường, học sinh tự đến trường thi. Sáng thi trưa về, chiều thi, tối về cơm nhà, giường nhà. Không phải ai đưa đón. Ai đỗ, ai có nguyện vọng thi đại học thì mới ra thành phố để thi. Còn không thích làm “ông kỹ, bà cử” thì ở nhà tìm việc làm. Còn nay, “hai trong một” nên dù không muốn vào đại học thì cũng phải khăn gói đi đến cụm thi. Con đi thi, cha hoặc mẹ cũng phải đi cùng. Vậy là ai ai cũng phải đi hết, không xa cả ngàn cây số, nhưng dăm sáu chục hay một trăm km cũng phải ở trọ, cũng phải ăn uống, chi tiêu. Bỏ rẻ mấy ngày thi cũng mất mấy trăm nghìn bạc một em. Cộng lại cả nước cũng là một khoản không hề nhỏ. Sau thi, ai đủ điểm được các trường đại học xét tuyển lại phải đi đến trường đó để tham gia thi khảo sát theo như yêu cầu của một số trường. Lại thêm một lần “khăn gói quả mướp” nữa. Dĩ nhiên, không đông như lần trước nhưng cự ly thì có khi là “vạn dặm đường trường” nên chi phí cũng khá là tốn kém.
 
Trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi, chỉ có khoảng 59% có nhu cầu vào đại học, cao đẳng. Như vậy là một nửa non chỉ cần tốt nghiệp. Nếu thi theo kiểu cũ, một nửa non đó sẽ không tốn một xu nào cả vì thi ngay tại trường. Nhưng nay đổi mới, một nửa non đó vẫn phải lên đường. Thế là tiết kiệm một kỳ thi, nhưng lượng người phải dịch chuyển cao gần gấp đôi thì cũng không tiết giảm chi phí được bao nhiêu. Sự phiền hà thì vẫn thế. Những ngày nắng nóng kỷ lục, phụ huynh vẫn vạ vật ngoài đường chẳng khác gì các kỳ thi trước.
 
Tính toán cho thật kỹ thì thấy vẫn phiền hà,  tốn kém thế thôi.
 
Tri Kỷ