Hơn trăm tuổi vẫn đi rẫy
Những ngày Đông giá rét, chúng tôi vượt cổng trời tìm đến nhà cụ Và Pà Giờ (102 tuổi), ở bản Trung Tâm, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Nhưng phải mất khá lâu, chúng tôi mới có thể gặp được vì phải đợi cụ đi chăn bò trên rẫy về. “Hơn một trăm tuổi rồi vẫn đi rẫy ư?”, một người bạn đi cùng há hốc miệng quay sang hỏi cậu con trai út năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi của cụ Giờ.
Vợ cụ Giờ, cụ Lầu Y Mò năm nay cũng đã 88 tuổi, vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn. Cụ gây bất ngờ bởi vốn tiếng Kinh khá sõi. Bởi với người Mông, phụ nữ hơn 40 tuổi thường chẳng biết tiếng Kinh, vì ngày xưa phụ nữ thì không được đi học. Vợ chồng cụ Giờ có hàng chục đứa con, nhưng hai cụ chẳng dựa dẫm, sống chung với một ai. Đôi vợ chồng ở tuổi "xưa nay hiếm" vẫn ở trong một căn nhà nằm ở cuối bản. Ở đó, cụ ông ngày ngày vẫn đi cắt cỏ, chăn đàn bò hơn 5 con cùng với vườn mận tam hoa rộng lớn. Còn cụ bà thì ngoài việc lo bếp núc, công việc chính là chăm sóc đàn gà, đàn ngỗng lên đến gần 100 con. “Hai cụ cứ thích làm việc như thế. Ngăn cản mãi không được”, anh Và Pá Bì, người con trai út của hai cụ nói.
Theo hồ sơ, cụ Giờ sinh ngày 1/9/1919. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, cụ đã là Chủ tịch UBND xã Mường Lống. Đến nay, cụ Giờ nghỉ hưu cũng đã được hơn 40 năm. Hai vợ chồng cụ Giờ trước khi đến với nhau cũng đều trải qua một lần đò. Cụ Giờ có với người vợ trước 6 người con, còn cụ Mò cũng có với người chồng trước 5 người con. Lấy nhau về, hai cụ có thêm với nhau 6 người con nữa. Tính ra, tổng cộng hai vợ chồng già có đến 17 người con. Trong đó, 2 người con trai đầu của cụ Giờ năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi, râu tóc bạc trắng. Đó là số lượng con, còn số cháu, chắt, chút, chít, cụ Giờ nói rằng không thể nhớ nổi. Cụ chỉ có thể ước tính, tổng số hậu duệ của mình đã vượt con số 300 người.
“Người Mông ta có tính cần cù, siêng năng, không làm việc không chịu được đâu, buồn lắm”, cụ Giờ lý giải vì sao hơn trăm tuổi vẫn đi rẫy. Cụ cho rằng, một trong những bí kíp quan trọng nhất để sống trường thọ đó là phải siêng năng làm việc, lao động chân tay thường xuyên để rèn sức khỏe. “Nếu như ở dưới xuôi người ta hay tập thể dục thì ở trên này đi rẫy. Nó rất tốt cho sức khỏe”, cụ nói.
Ngoài ra, các cụ cao tuổi ở đây cho đến nay vẫn sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Các cụ gần như chẳng cần đi chợ để mua thực phẩm. Rau, trái đều tự trồng, gà, vịt thì tự nuôi. Các cụ cho rằng, đó chính là thực phẩm sạch khiến tuổi thọ nâng cao. Ngoài ra, một điều kiện quan trọng để người Mông ở Mường Lống sống thọ hơn vùng khác đó là khí hậu mát mẻ. Ở đây được ví như một Đà Lạt giữa miền gió Lào nắng cháy của xứ Nghệ. Phần lớn cư dân xã nằm lọt thỏm trong thung lũng rộng lớn, ở độ cao chừng 1.500m so với mực nước biển. Chính vì ở độ cao này, lại được các dãy núi che chở xung quanh nên khí hậu khá mát mẻ, mây mù bao phủ quanh năm. Một ngày ở Mường Lống có đến 4 mùa, sáng là cảnh sương mù của mùa Xuân, trưa nắng ấm như mùa Hè, chiều là thời tiết của mùa Thu và tối đến là cái rét buốt của mùa Đông.
Chia tay cụ Giờ, chúng tôi tìm đến nhà cụ Và Y Xồng (105 tuổi), ở bản Mường Lống 2. Cụ Xồng sinh ngày 1/7/1916, đây là người lớn tuổi nhất Mường Lống hiện nay. Chồng cụ Xồng, cụ Lầu Chá Xía ít tuổi hơn vợ, nhưng năm nay cũng đã 101 tuổi. Khi chúng tôi đến, cụ Xồng vẫn đang nhặt nhạnh những cành củi khô dưới cánh rừng mận tam hoa để mang về sưởi ấm.
“Bây giờ đến mùa rét rồi. Các cụ tuổi cao, sức yếu rồi nên không thể thiếu củi được. Cả ngày chỉ ngồi quanh xó bếp thôi”, cụ Xồng cười nói, hai bàn tay vẫn ôm chặt bó củi một cách chắc chắn. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi ở Nghệ An mà cả 2 vợ chồng đều đã qua tuổi 100. Dù ở tuổi này, nhưng đôi vợ chồng già vẫn sống tự lập, không cần một ai chăm sóc. Hơn một năm nay, sức khỏe cụ ông yếu hơn, không còn đi rẫy nhặt củi, chăn bò được nữa, chỉ còn quanh quẩn trong nhà. Còn cụ bà dù tuổi cao hơn nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Cả hai vợ chồng hiện sống dựa vào khoản tiền trợ cấp cho người cao tuổi.
Cụ Xồng nói rằng, cụ chẳng thể nhớ nổi hai cụ cưới nhau năm nào, chỉ biết tập tục người Mông ngày đó thường lấy vợ, gả chồng từ rất sớm. Con trai thường 13,14 tuổi đã lấy vợ, còn con gái thì lớn hơn chút, chừng 15 hoặc 16. Qua cái tuổi ấy, được xem là ế. Hai cụ có với nhau 8 người con, 3 trai, 5 gái. Trong đó, 2 người con trai đầu sống ở bên Lào, năm nay đã ngoài 90 tuổi, hàng chục năm rồi vẫn chưa về Mường Lống thăm bố mẹ. Vì thế, hai cụ cũng chẳng biết có bao nhiêu cháu, chắt ở bên Lào. 5 người con gái thì lấy chồng xa, vì thế ở gần các cụ chỉ còn người con trai thứ 8 năm nay đã 62 tuổi.
Nói về bí quyết sống lâu, cụ Xồng cho rằng do ăn uống. “Sống lâu là do không ăn mì chính đó”, cụ Xồng cười nói rồi chỉ tay xunh quanh bếp để nói rằng, nhà cụ không có nhiều gia vị để nấu ăn ngoài muối. Ngoài mỡ lợn nhà tự nuôi tự làm thịt, vợ chồng cụ Xồng chẳng bao giờ dùng dầu ăn hay mỡ mua ngoài chợ để nấu. Hai vợ chồng cụ Xồng khẳng định, ăn thực phẩm sạch chính là bí kíp quan trọng nhất để sống lâu.
Cũng ở tuổi xưa nay hiếm, cách nhà cụ Xồng không xa, cụ Xồng Gà Vừ dù đã 101 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi chúng tôi đến, cụ đang mải mê thổi khèn cho một nhóm trẻ chừng hơn 10 tuổi nghe. Cụ giới thiệu, tất cả chúng đều là chút của cụ. “Tức là ông nội của chúng là cháu nội ta đấy. Đây chỉ mới là một số ít thôi”, cụ Vừ nói đồng thời không quên khoe chiếc khèn khá dài mà cụ vừa tốn hết 7 triệu đồng để mua về.
Cụ Vừ cũng từng là Chủ tịch UBND xã Mường Lống đầu những năm 60 thế kỷ trước, rồi sau đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, và nghỉ hưu với cái chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Kỳ Sơn. Cụ Vừ có đến 3 vợ, 18 người con. Trong đó, người vợ thứ 3 cụ chỉ mới cưới cách đây ít năm.
Ông Xồng Gà Súa – người con trai thứ 8 của cụ Vừ kể rằng, năm 2013, mẹ ông qua đời vì tuổi cao, sức yếu. Năm đó, ông Súa cũng đang là Chủ tịch UBND xã Mường Lống. “Mẹ mất được khoảng 1 tháng thì bố gọi tất cả chúng tôi về rồi nói, bố không thể sống một mình được. Bố phải lấy vợ”, ông Súa kể. Sau cuộc họp gia đình, các con dâu của cụ Vừ được chồng giao nhiệm vụ đi khắp các xã ở huyện Kỳ Sơn để tìm vợ cho bố.
Không lâu sau, các con của cụ cũng chọn được một người đàn bà góa chồng ở xã Huồi Tụ, lúc đó bà mới hơn 50 tuổi. Thời điểm đó cụ Vừ đã hơn 93 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, đi rẫy đều đặn. Con cháu sau đó sắp xếp cho 2 cụ một buổi hẹn hò ở chợ phiên Mường Lống. Sau lần gặp đó, là một đám cưới nhỏ, chỉ với có người trong gia đình tham gia. Gọi là đám cưới nhỏ nhưng cũng hơn 30 mâm cỗ, với hơn 300 khách dự. Vì con cháu của cụ Vừ trên thực tế cũng đã hơn con số này. Cụ Vừ nói rằng, do người vợ thứ 3 này lúc cưới cũng đã lớn tuổi rồi nên không đẻ thêm người con nào nữa. 18 người con đều là của 2 bà vợ trước, trong đó người con trai đầu hơn 80 tuổi ở gần đó thậm chí nhìn bên ngoài còn già hơn cả bố.
Theo thống kê của xã Mường Lống, toàn xã có 8 cụ trên 100 tuổi, chưa kể gần 20 cụ khác cũng đang ngót nghét cái tuổi này. Đối với các cụ trên 80 tuổi, toàn xã đang có 68 cụ. Đối với một xã vùng cao chỉ có chưa đầy 1.000 hộ dân như Mường Lống, thì con số này đã là quá cao. Tuy nhiên, theo các bậc già làng ở đây thì trước đây, số cụ sống thọ trên 100 tuổi còn lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, dù đời sống kinh tế ngày càng khá giả, nhưng số cụ sống thọ lại càng giảm. Trước đây, có nhiều cụ thậm chí sống đến 113, 114 tuổi.
Theo ông Vi Văn Thanh – Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Kỳ Sơn thì cả huyện có 35 cụ trên 100 tuổi, trong đó riêng xã Mường Lống đã có 8 cụ. “Hầu như thống kê năm nào số cụ cao tuổi ở Mường Lống cũng vượt trội”, ông Thanh nói.