(Baonghean) - Người Việt ta có truyền thống hiếu học. Vì thế, việc khuyến học luôn được cả xã hội quan tâm, tạo điều kiện. Hoạt động khuyến học diễn ra trong từng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, làng, bản và trong các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… Có thể nói là ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này cũng đều có các tổ chức, các hoạt động khuyến khích học tập dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục đích của khuyến học là nhằm xây dựng một xã hội học tập để nâng cao dân trí, trang bị thêm kiến thức cho người dân để họ vận dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho cả cộng đồng.
 
Tuy nhiên, các hoạt động khuyến học của ta trong thời gian qua có biểu hiện thiên lệch, phiến diện, chưa bao quát được hết các hoạt động nhằm phục vụ cho mục đích đã đề ra. Rõ nét nhất là các hoạt động khuyến học mới chỉ tập trung động viên, khuyến khích con em trong gia đình, dòng tộc chăm lo học hành để ngày mai lập nghiệp. Nói gọn lại là tạo mọi điều kiện và khuyến khích lớp trẻ nỗ lực học tập để đỗ đạt vào các trường đại học là chủ yếu.
 
Các hoạt động tôn vinh, khen thưởng, dù là của gia đình, dòng họ, hay các cơ quan, đoàn thể gần như chỉ dành riêng cho đối tượng này. Còn dưới đó là hệ cao đẳng hay các trường nghề đều không được đánh giá cao và quan tâm đúng mức. Khiến cho không ít người cảm thấy bị phân biệt đối xử. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thừa thãi cử nhân, thạc sỹ mà thiếu hụt lao động bậc cao, lành nghề như hiện tại. Các hoạt động biểu dương, khen thưởng người học hành đỗ đạt cao được tiến hành khá rầm rộ. Trong khi đó lại hoàn toàn thiếu vắng các hoạt động tôn vinh, khuyến khích những tấm gương tự học hỏi vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Có vẻ như các hoạt động khuyến học ở ta đang nghiêng về ủng hộ, khuyến khích lớp trẻ học hành giỏi để đỗ đạt cao rồi  thành đạt, làm ông này, bà nọ, mà thiếu đi một phần rất quan trọng là khuyến khích mọi người thường xuyên tự học để trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết rồi ứng dụng vào giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thường ngày một cách có hiệu quả. Như thế là nặng về khuyến học, mà nhẹ phần khuyến hành. Do đó, cần phải nhận thức lại để nắm rõ, hiểu sâu mục đích cơ bản của hoạt động khuyến học. Để từ đó đi đến thống nhất một quan điểm là ủng hộ, động viên, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai ham thích học hỏi để nâng cao trình độ và sự hiểu biết, nhằm đạt được những bước tiến mới trong học tập, lao động, sản xuất. Tất cả mọi người, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn cần quán triệt rõ quan điểm này để có định hướng hoạt động cho phù hợp như xây dựng và phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phong phú thỏa mãn nhu cầu học tập của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Đi cùng với đó là vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn, nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xoá đói, gảm nghèo và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Tóm lại là, trong thời gian tới, các hoạt động khuyến học cần phải đi đôi với khuyến hành thì mới đạt được mục đích sâu xa là xây dựng xã hội học tập để nâng cao trình độ, kiến thức cho người dân để chấn hưng đất nước.
 
Duy Hương