(Baonghean) - Cây cổ thụ có vị trí quan trọng đối với đời sống cộng đồng. Ngoài giá trị sinh học, nó còn là “thần”, là “hồn” của mỗi làng quê, là nét tiêu biểu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Với địa phương hiện số lượng cây cổ thụ còn lại không nhiều như Nghệ An, công tác điều tra thực trạng và triển khai các giải pháp bảo tồn là việc làm cần thiết.

images1035830_img_2448.jpgCây đa cổ thụ ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông).

Trong một lần đến bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (Tương Dương), chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng cây săng lẻ cổ thụ trong khuôn viên UBND xã. Theo tài liệu của Hội Sinh vật cảnh Nghệ An, đây là cây cổ thụ duy nhất có độ tuổi khoảng 1000 năm trên địa bàn toàn tỉnh. Cây có chu vi gốc 6m (đo cách mặt đất 1,3m), chiều cao khoảng 50m, đường kính tán lá 20m, tình trạng của cây rất tốt. Cây săng lẻ vươn thẳng đứng, cây sanh với rễ, thân chằng chịt bám chặt quanh gốc săng lẻ, hai thân cây xoắn lấy nhau tạo nên vẻ vững chãi. Các bậc cao niên bản Xiềng Nứa cho biết, từ hồi còn rất nhỏ, cụ thường nghe người lớn kể nhiều chuyện thiêng về cây săng lẻ cổ thụ này. Lần khác, chúng tôi đến bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) được chứng kiến vẻ đẹp của cụm cây đa nằm bên dòng Nậm Mộ. Bên cạnh là ngôi đền thờ Đức Khánh vừa được phục dựng chưa lâu, tất cả tạo nên vẻ cổ kính và linh thiêng. Với người dân nơi đây, cụm cây đa này hết sức linh thiêng, gần như bất khả xâm phạm. Vì thế, khi thi công công trình Thủy điện bản Cánh, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đề nghị nhà thầu bằng mọi cách phải giữ nguyên hiện trạng của cụm cây đa cổ thụ này. Đề nghị chính đáng ấy đã được nhà thầu chấp thuận. 

Hay tại xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc), năm 2012, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam quyết định gắn biển “Cây di sản” cho 5 cây thị cổ thụ ở xã. Những cây thị này có độ tuổi trên 670 năm, gắn liền với tiến trình phát triển của lịch sử - văn hóa địa phương. 5 cây thị được các thế hệ con cháu dòng họ Lê chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt, không bị xâm hại. Có những người từng đến đây trả giá đến hàng tỷ đồng để mua nhưng gia đình ông Lê Minh Thưởng - Tộc trưởng dòng họ Lê nhất định không bán. Lâu nay, nơi đây đã trở thành điểm tham quan của du khách gần xa. Trong một lần về làm việc với tỉnh Nghệ An, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tham quan 5 cây thị và căn dặn gia đình ông Thưởng tiếp tục chăm sóc, giữ gìn thật tốt những cây di sản này. Trước đó 1 năm, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận cây sa mu dầu tại Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là “Cây di sản”. Cây sa mu dầu này chính là cây đầu tiên ở Nghệ An được gắn biển “Cây di sản” và được xem là hùng vĩ nhất Việt Nam. Chiều cao của cây khoảng 70m, chu vi hơn 23m và đường kính 5,5m. Hiện cây phát triển bình thường và được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Theo tài liệu “Điều tra thực trạng và giải pháp bảo tồn cây cổ thụ và cây cảnh cổ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do Hội Sinh vật cảnh tỉnh thực hiện, toàn tỉnh hiện có gần 30 cây cổ thụ giữ vai trò là chứng tích lịch sử. Bởi lẽ, những cây này gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể kể ra cây bồ đề ở xã Diễn Đồng (Diễn Châu), cạnh nhà thờ họ Nguyễn, nơi hoạt động của cơ quan Huyện ủy vào năm 1930, hiện đã được Nhà nước công nhận Di tích - Lịch sử cấp Quốc gia. Cây sui ở xã Thanh Phong (Thanh Chương) gắn với nhà thờ họ Nguyễn Duy, một di tích lịch sử cách mạng, là nơi in ấn và cất giấu tài liệu của Đảng trong những năm 1930 - 1931.
 
Tương tự, cây đa Tri Lễ ở Khai Sơn (Anh Sơn), cây gạo ở đình Liên Trì, xã Liên Thành (Yên Thành), cây gạo ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), cây đa ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu) và xã Thanh An (Thanh Chương)... là những nơi quần chúng tập trung biểu tình và đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Dưới tán cây đa Làng Trù, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng vạn quần chúng nhân dân các tổng Cự Lâm, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và đông đảo công nhân các đồn điền ở Phủ Qùy tập trung lực lượng kéo về trung tâm huyện lỵ giành chính quyền. Còn cây sanh ở xã biên giới Thanh Hương (Thanh Chương) đứng ở vị trí cửa ngõ của chiến khu Hoa Quân, cũng là nơi cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. 
 
Đối với số cây cổ thụ gắn liền với lịch sử cách mạng, mặc dù UBND tỉnh đã giao trách nhiệm quản lý cho các địa phương nhưng việc thực hiện ít nhiều còn hạn chế. Do đó, không ít cây cổ thụ thuộc diện này đã “biến mất” ở nhiều địa phương. Đó là cây gạo ở xã Đặng Sơn, cây đa ở xã Bắc Sơn (Đô Lương), 2 cây đa ở xã Nghi Liên (Thành phố Vinh), cây đa ở xã Thanh Hòa (Thanh Chương), và không thể không kể đến cây đa Cồn Chùa ở xã Môn Sơn (Con Cuông)... Những cây còn lại do xóm, bản quản lý chỉ mang tính hình thức, bởi không có biển báo, không được xây bồn bảo vệ, thậm chí có nơi còn xảy ra hiện tượng chặt phá. Điều này dẫn đến việc không ít cây cổ thụ bị nấm, sâu bệnh và thực vật ký sinh xâm hại khiến phần lớn đã bị rỗng ruột, gãy ngọn, cành hoặc tán phát triển lệch, một số cây đang đối diện với nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn trong tương lai gần.
 
Cây cổ thụ là một tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử tự nhiên và xã hội, mất đi một cây cổ thụ giống như sự ra đi của một “chứng nhân lịch sử”, một “di sản xanh”. Vì thế, UBND tỉnh Nghệ An và các ban, ngành liên quan cần sớm có những giải pháp cụ thể để triển khai việc bảo tồn cây cổ thụ. Các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu và ra quyết định công nhận cây cổ thụ là di tích cần được bảo tồn để đảm bảo tính pháp lý cho việc tồn tại và quyền được chăm sóc, bảo vệ. Từ đó, đánh số và lập hồ sơ chi tiết từng cây, gắn biển thống nhất “Cây đã có quyết định bảo tồn, không được chặt phá” chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực đối với ý thức của người dân.
 
Đồng thời, thực hiện xã hội hóa việc bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây cổ thụ, hướng tới mục tiêu tất cả các cây cổ thụ đều có chủ và thường xuyên được chăm sóc, bảo vệ. Việc xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ cây cổ thụ, khuyến khích các địa phương đưa nội dung này vào hương ước cũng là một việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, giải pháp lâu nay ở một số địa phương ít nhiều đã thực hiện, nhưng hiệu quả còn hạn chế, cần được tiếp tục phát huy, là phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn cây cổ thụ và di tích - danh thắng. Làm tốt việc này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hình thành ý thức quý trọng cây cổ thụ cho các tầng lớp nhân dân.
 
Bài, ảnh: Công Kiên