(Baonghean) - “Ai có về Nghi Quang/ 
Quê  hương tôi mặn mòi con nước/ 
Nơi cửa bể cuối dòng sông Cấm/ 
Xôn xao tôm cá chiều về…”. 
 
Hơn một lần tôi được nghe câu hát ấy khi về với xã Nghi Quang (Nghi Lộc) - miền quê nay đang đà khởi sắc xây dựng nông thôn mới và chứa đựng những ký ức hào hùng một thời đạn lửa... 
 
Cái mặn mòi con nước một vùng cửa sông chảy ra bể Đông được ví trong câu hát, phải chăng được chọn để nói lên tình nghĩa trung kiên gắn bó với quê hương, khát vọng đi lên của người dân Nghi Quang, đất có rừng, có ruộng và cả làng chài từng quanh năm sóng nước? Tôi bước chân trên những đồi 200, đồi 170 vi vút thông, keo, bạch đàn… cộng hưởng một màu xanh hồi sinh với các thôn mạc dưới kia, theo ký ức của người già trở về một thời đạn lửa chiến tranh. Cụ Hoàng Văn Quế, ở xóm Thành Vinh 2, năm nay bước sang tuổi 83, hồ hởi: “Rừng thông là rừng phòng hộ được ngành Kiểm lâm giao cho bà con 4 xóm sinh sống xung quanh đồi chăm sóc, bảo vệ, khi đến tuổi lấy nhựa, bà con được hưởng phần công chăm sóc. Keo, tràm cũng thế cả”.
 
images1035821_dsc_6909.jpgNghi Quang hôm nay.
 
Dưới cái màu xanh góp phần bảo vệ sinh thái và tạo sinh kế ấy, từng là căn cứ địa quân sự quan trọng của ta. Thời kỳ chiến tranh phá hoại bắt đầu từ cuối những năm 1960, nhiều vùng duyên hải miền Bắc bị bom Mỹ ném phá dữ dội, Nghi Quang cũng vậy. Đồi 200, đồi 170 và chùa Lữ Sơn lúc ấy là các điểm tập kết bộ đội, kho lương thực, đạn dược, đội cứu thương, hào giao thông, hầm trú ẩn cho các đơn vị chiến đấu như: Đài quan sát của Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu 4, Tỉnh đội và các trận địa pháo phòng không của Quân khu. Người cựu chiến binh từng đi qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ Hoàng Văn Quế chợt trầm giọng khi kể về những năm tháng ác liệt, nhân dân và các đơn vị dân quân Nghi Quang tích cực hỗ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực chiến đấu, huy động hàng ngàn tấn lá ngụy trang, hàng trăm cân giẻ lau súng, pháo. Có những bà mẹ tuổi đã cao, sức đã yếu, ngày nào cũng mang nước, thuốc, lá ngụy trang lên đồi 200, đồi 170; nhiều thanh niên chưa đến tuổi nhập ngũ đã hăng hái xung phong vác vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Quên sao được phong trào quyên góp, ủng hộ bộ đội lương thực, thực phẩm, đóng góp hàng trăm ngày công để san lấp hố bom, đào đắp công sự các trận địa pháo, đảm bảo thông đường cho những chuyến xe qua… 
 
Máu xương đã đổ xuống đất này để giữ yên biển, trời quê hương. Chiến tranh đã lùi xa, thôn mạc giờ đây rộn khí thế làm ăn thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, và dường như lòng người mấy thế hệ luôn nuôi dưỡng một khát vọng hồi sinh cho đất. Hồi mới triển khai chủ trương phủ xanh đồi trọc, giao đất, giao rừng cho dân khoanh nuôi, bảo vệ, nhiều bà con trong làng trong xã gánh nước lên đồi cao tưới cho cây, quên ăn, quên ngủ chăm sóc, bảo vệ. Nay rừng đã vào kỳ khai thác, nguồn lợi kinh tế trước mắt đem lại dù không nhiều, nhưng người dân Nghi Quang vẫn tập trung chăm sóc, bảo vệ màu xanh trên đồi 200, đồi 170 như bảo vệ một phần truyền thống đáng tự hào của địa phương.
 
Đi qua những thôn Bắc Sơn, Trung Tiến, Thành Vinh 1, Thành Vinh 2… đã có nhiều nhà dân 2, 3 tầng khang trang được xây dựng. Vẫn bám rừng, bám đồng và bám lợi thế biển, nhưng người dân Nghi Quang sau quá trình đa dạng hóa ngành nghề đã có nhiều cách làm ăn mới khấm khá dần lên. Các xóm Thành Vinh 1, Thành Vinh 2 vốn có truyền thống nghề biển, đội thuyền chài trong chiến tranh chống Mỹ từng tham gia vận tải lương thực, vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Lần giở về quá khứ trước nữa, năm 1946, xã Nghi Quang ngày ấy có 3 người tham gia  Nam tiến đợt đầu tiên đều là người con của xóm Thành Vinh 1, đó là các liệt sỹ: Phạm Bá Trình, Nguyễn Ngọc Chinh và Nguyễn Văn Ngưỡng. Ông  Nguyễn Ngọc Chinh thời chống Mỹ phụ trách một con tàu “không số”, trong một lần vào đến Quảng Trị bị địch phát hiện, ông Chinh và các chiến sỹ của mình đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… Người dân Nghi Quang vẫn thường nhắc nhớ về những người dân chài dũng cảm quên mình trong chiến tranh chống Mỹ, như ông Nguyễn Văn Hùng bất chấp bom đạn, quyết tâm bám biển. Ông Hùng là một trong những người chạy thuyền vận tải cung cấp thực phẩm cá, tôm cho tiền tuyến lúc bấy giờ. Trong một lần đi biển thuyền gặp thủy lôi, ông Hùng đã hy sinh cùng với 8 người trên thuyền. Rồi đảng viên Nguyễn Văn Cho, từng được người dân Nghi Quang tôn vinh là “kiện tướng” đánh bắt hải sản. Trước chống Mỹ, gia đình ông Cho là chủ của 2 chiếc thuyền buồm. Ông nổi tiếng đùm bọc bạn ngang nghèo, ai khó khăn đều được ông giúp đỡ tận tình...
 
Trao đổi với tôi, Chủ tịch xã Trần Hải Dương cũng tâm sự nhiều về những tháng năm sôi động, thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển đổi mô hình từ HTX sang kinh tế hộ gia đình. Khi đó, chính quyền địa phương Nghi Quang đã động viên nhân dân, vay vốn để đóng tàu, thuyền, xây dựng các ốt buôn bán, mua sắm các phương tiện xe cơ giới vận tải hàng hóa phục vụ nhân dân trong và ngoài địa bàn. Ngư nghiệp thì sắm thuyền, máy, ngư cụ vươn khơi. Ngoài nghề biển, người dân còn mở thêm các nghề như làm nón, may áo tơi lá, rồi làm nồi đất, dệt chiếu… Từ năm 1995, Nghi Quang phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, buôn bán dịch vụ, xuất khẩu lao động. Toàn xã nay có 7 xóm, thì có trên 500 người đi xuất khẩu lao động, hàng năm gửi về lượng ngoại tệ đáng kể, góp phần kiến thiết làm khởi sắc diện mạo quê hương và cho mục tiêu xóa nghèo.
 
Đến xóm Thành Vinh 2, tôi được giới thiệu gặp anh Trần Văn Quý, được coi là một “người trẻ” làm ăn giỏi ở đây (anh Quý SN 1977). Anh tâm sự chân thành: “Thế hệ chúng tôi không chứng kiến chiến tranh, như thế hệ cha anh đi trước. Nhớ lại một thời đạn lửa hào hùng chống Mỹ mà tự hào, nhờ đó thêm sức hồi sinh trên một vùng “đất cháy”. Chúng tôi sinh ra và lớn lên, hiểu về truyền thống, đều muốn cố gắng làm một điều gì đó cho quê hương. Mỗi người một hướng đi lên khác nhau. Người nỗ lực học hành, người là đoàn viên năng nổ, người là cán bộ cơ sở nhiệt tình... Riêng tôi, nhận thấy quê mình có nghề biển, dân xung quanh vùng đi biển cũng nhiều, nên tôi bắt tay vào kinh doanh các mặt hàng hải sản. Ban đầu, bán ở địa bàn Cửa Lò, rồi đem lên các huyện miền núi, sang tận bên Lào”. Hỏi về kết quả làm ăn, anh Quý cười khiêm nhường, anh bảo cũng đang phải vất vả nhiều nữa! Nhưng, nhìn cơ ngơi nhà cửa khang trang, xe ô tô đắt tiền của anh, là có thể hiểu được anh đã là “người giàu” của xóm rồi.
 
Khi anh Quý giới thiệu cho tôi để gặp những “người giỏi” trong thôn mạnh dạn theo nghề buôn bán các mặt hàng hải sản, nay xây được nhà lớn, có các ki-ốt kinh doanh dọc bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, thì  Bí thư chi bộ Hoàng Trung Thông cho hay: “Muốn gặp những gia đình ấy phải đến từ 4 giờ sáng hoặc 10 giờ đêm, khi ấy họ mới có mặt ở nhà...”. Thì ra, sáng sớm bà con dậy từ 4 giờ, xuống bến cá Cửa Hội mua tôm, cá đem đến chợ hải sản Cửa Lò bán,nhập cho các tay buôn tôm, cá ở các chợ; một số đưa hàng hải sản tươi, khô đi khắp các thị trường trong tỉnh. Bí thư chi bộ Hoàng Trung Thông cho biết thêm, xóm Thành Vinh 2 ngoài số người đi xuất khẩu lao động, còn lại chủ yếu buôn bán dịch vụ, một số đi làm công nhân ở các nhà máy, Khu công nghiệp Bắc Vinh. Làng có 300 hộ, tỷ lệ buôn bán ở Cửa Lò chiếm 60%; mức thu nhập bình quân đầu người 26 triệu đồng/người/năm…
 
Tạm biệt Nghi Quang, qua xóm Tân Lập, trong khung cảnh làng quê bãi ngang thanh bình, vẳng tiếng mõ chùa Lữ Sơn vọng lại. Ngôi chùa là một di tích gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Nghi Quang cũng bị tàn phá trong chiến tranh, từ tháng 2/2014 đã được nhân dân đóng góp tôn tạo, khôi phục lại một phần nếp sinh hoạt xưa...
 
Sâm - Hương