(Baonghean) - Đó là ngôi làng nhỏ nằm dựa vai vào núi Hòn Kiến, mặt hướng ra phía đông với bờ biển cong cong hình cánh buồm. Tôi không còn nhớ chính xác đây đã là lần thứ mấy tản bộ trên những doi cát mịn, thích thú bấm ngón chân trên trảng cát xâm xấp nước, bỗng chốc làm giật mình vài chú còng gió lênh khênh chạy thật nhanh, rồi chui tọt vào hang trú ẩn. Dường như bãi biển ấy, ngôi làng ấy có cái gì đó vừa gần gũi, cuốn hút, vừa làm cho người ta bỡ ngỡ mỗi lần đặt chân đến. 

images1035085_d_ng_l__v_t_c_u_ng__t_i___n_r_t.jpgDâng lễ vật cầu ngư tại đền Rết.

Như một sự tình cờ, tôi đến thôn Phú Liên - xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đúng dịp bà con tổ chức Lễ cầu ngư. Từ xa, trong ráng nắng chiều hắt lên từ những vạt sóng, ngôi đền Rệp như chuyển động huyền bí bởi lớp lớp ánh sáng nghiêng. Ông Trần Văn Tráng nheo nheo mắt nhìn khách rồi như reo lên: “Trời! Nhà báo à! Khỏe ru..u..u!? Về răng không báo trước?”. Tôi may mắn quen biết ông Trần Văn Tráng và gia đình ông cách đây 3 năm. Đó là lần tôi được đồng hành trên con tàu đánh vây của anh Trần Văn Thành - con trai ông Tráng ra khơi trên khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc bộ. Nhưng cho đến nay, điều làm tôi ấn tượng nhất sau chuyến đi ấy không phải là hình ảnh những thuyền trưởng, thuyền viên vật lộn với sóng gió buông lưới đánh bắt hằng đêm giữa trùng khơi, mà là hình ảnh ông Trần Văn Tráng tay cầm cây dứa gai vỗ đập quanh con tàu, miệng lẩm nhẩm cầu may mắn trước khi mọi người rời cảng vươn khơi. Đó là một nghi lễ của ngư dân trước mỗi cuộc xuất hành. Và ông Tráng với kinh nghiệm gần bốn chục năm làm tài công của HTX đánh cá Phú Liên đã không quên thực hiện nghi thức. Đó là một niềm tin của thế hệ cha ông gửi lại. 

Mùa biển thắng lợi của ngư dân xã Quỳnh Long - Quỳnh Lưu. Ảnh: Khánh ly
 
“Chú về dịp này là hay lắm. Ngày mai thôn ta tổ chức Lễ Cầu ngư”. - ông Tráng nói trong khi đưa bát nước chè về phía tôi. Lúc này xung quanh đền Rết đã có khá đông người. Ngày mai 10/7 âm lịch mới là chính lễ, song đêm nay mọi người đến đền để tổ chức Lễ Yết cáo. Và trong một buổi tối may mắn tôi có thêm cơ hội được trao đổi, chuyện trò với phần lớn thành viên trong Ban Cán sự thôn Phú Liên. Bà Trần Thị Đào - Bí thư Chi bộ thôn Phú Liên đã không giấu giếm khi nói rằng, cuộc sống của người dân Phú Liên đang có sự chuyển biến rõ rệt. Thôn có 295 hộ với 1.433 nhân khẩu. Trong số 695 người trong độ tuổi lao động thì có 275 người trực tiếp tham gia khai thác đánh bắt hải sản, chiếm tỷ lệ 40%. Tuy nhiên, nếu tính cả các hoạt động liên quan đến dịch vụ, kinh tế biển thì chiếm tỷ lệ trên 90%. Hiện nay thôn có 25 tàu đánh bắt hải sản công suất từ 200 CV đến 600 CV. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 65%. Bà Trần Thị Đào chia sẻ: “Cuộc sống, kinh tế của người dân thôn Phú Liên phụ thuộc vào biển. Nếu như năm 2013 cả thôn mới chỉ có 6 tàu khai thác bằng hình thức đánh vây thì năm nay đã có 13 tàu. Số lượng tàu 2 sào từ 15 chiếc năm 2013 hiện còn 13 chiếc. Bà con chủ động đóng tàu hiện đại hơn, công suất lớn hơn. Tàu to mới đi được ngư trường xa và đánh bắt hiệu quả hơn…”.
 
Thực tế ở thôn Phú Liên, bà con ngư dân hoàn toàn không đánh bắt trong lộng. Chính vì vậy không có tàu nào công suất dưới 90 CV. Một con tàu vây đóng mới với công suất 400 CV có giá từ 4,2  - 4,5 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền đầu tư phương tiện, ngư cụ cũng ngót nghét 5 tỷ đồng. Nhưng điều đáng mừng, nói đúng hơn là đáng khâm phục là người dân Phú Liên đã dám đầu tư để thực hiện khát khao vươn khơi. Chị Hồ Thị Đức - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Phú Liên nói: “Lo lắng chứ. Mỗi khi giông gió, phụ nữ, người già, con nít ngồi ở nhà cứ ngóng đàn ông ngoài biển. Nhưng phải vươn khơi anh ạ. Chỉ tàu to, máy lớn mới yên tâm, đánh bắt mới thắng!”. Khi ngồi nghe Chi hội trưởng phụ nữ thôn trò chuyện tôi thấy ở vóc dáng mảnh dẻ ấy có một sức thuyết phục đến lạ lùng. Mới hay gia đình chị đã 20 năm đánh bắt bằng tàu sào 45 CV. Và đến tháng 8 này gia đình chị sẽ đón con tàu vây được mua từ Quảng Ngãi với trị giá 4,2 tỷ đồng.
 
Có một điều khá đặc biệt ở làng Phú Liên, ấy là lãnh đạo Chi ủy, Chi bộ, Ban Cán sự thôn phần lớn do phụ nữ đảm trách. Chị Nguyễn Thị Thập  - Trưởng thôn Phú Liên cười dí dỏm: “Không phải mô hình tiêu biểu đâu nhà báo nhé! Thực tế cuộc sống mà. Đàn ông đi biển, phụ nữ tham gia công tác xã hội. Thực tình mấy ông không có nhiều thời gian đâu”. Tôi trộm nghĩ, ngoài việc tề gia xây tổ ấm thì trong nhiều trường hợp phụ nữ luôn đảm nhận các chức trách xã hội cẩn trọng hơn đàn ông. Cụ thể như ở thôn Phú Liên. Bí thư chi bộ - Phụ nữ. Trưởng thôn - Phụ nữ. Phó thôn - Phụ nữ. Bí thư Chi đoàn thanh niên - Phụ nữ. Chi hội phó Cựu chiến binh - Phụ nữ… Nhưng điều mà mọi người nhìn thấy không chỉ là những vai áo gầy ngày lại ngày dõi ánh mắt về hướng Đông, hay tất tả ngược xuôi chợ búa, cá mú mỗi khi tàu cập cảng. Đó còn là những phụ nữ của chi bộ 4 năm liền đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” của xã Quỳnh Long; là các tổ chức đoàn thể nhiều năm liền được địa phương vinh danh. Ngay như trường hợp chị Nguyễn Thị Thập - Trưởng thôn, gia đình chị có tàu vây công suất 600 CV với 18 lao động thường xuyên trên tàu. Chị nói rằng, đâu phải cứ có tàu, có lao động là để làm giàu phục vụ gia đình mình. Việc mua sắm tàu to, máy lớn đánh bắt xa bờ còn là thực hiện trách nhiệm đối với làng, với bà con ngư dân. “Mỗi tháng tàu đi biển từ 2 - 3 chuyến. Mức thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng, tháng nào tốt thì đạt trên 15 triệu đồng. Nhưng việc đánh bắt trên biển đâu chỉ có chuyện tiền bạc. Giữa chủ tàu và anh em thuyền viên có tính cộng đồng rất cao. Đó là sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ và trách nhiệm”.
 
Chúng tôi tạm ngừng câu chuyện khi tiếng trống, tiếng chiêng cất lên. Đèn điện sáng rực quanh đền Rết. Ông Nguyễn Khắc Thìn - vị chủ tế bận áo thụng đỏ cùng 2 người khác quỳ mọp trước gian chính điện. Mỗi khi vị thông xướng đọc “hưng – bái” là chủ tế cứ thế phủ phục hoặc bái lạy. Lễ vật yết cáo đơn giản, gồm cỗ xôi, con gà, thịt lợn luộc, chè oản, tiền vàng, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau…Tất cả đều do bà con thượng dâng. Riêng đối với chủ tàu, thuyền trưởng năm nay người ít nhất đóng góp 300 nghìn đồng, người nhiều góp 1 triệu đồng. Chính nhờ tính cộng đồng như thế mà Lễ Cầu ngư ở Phú Liên được duy trì đều đặn vào tháng 7 âm lịch hằng năm. Theo ông Nguyễn Khắc Thìn, đền Rết được xây dựng cách đây gần 300 năm. Tương truyền xưa có một con rết khổng lồ sinh sống trong hang núi Hòn Kiến, hằng ngày “ngài rết” bò ra khu vực bãi biển và thường “nghỉ ngơi” ngay trên bãi đất sát chân núi. Trong thời gian “ngài” trú ngụ tại đây bà con thôn Phú Liên đi biển đánh bắt an toàn và rất thuận lợi. Và sau này tại vị trí rết ngự để lại dấu chân rất lớn. Chính vì vậy người dân thôn Phú Liên đã lập đền để thờ ngài với cầu mong được phù hộ cho thuận buồm, xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá, tôm. Lễ hội cầu ngư được hình thành từ đó. Nhưng đến những năm cuối thập niên 50 đầu 60 của thế kỷ trước, đền Rết bị tháo dỡ, phá hủy để phục vụ cho công cuộc xây dựng con người mới XHCN trong một giai đoạn lịch sử.  Đến năm 2002, người dân thôn Phú Liên đã gom góp xây dựng lại để phục vụ nhu cầu tâm linh cho bà con ngư dân trong vùng. 
 
Sau khi kết thúc Lễ Yết cáo được tiến hành đơn giản nhưng trang nghiêm, ông Nguyễn Khắc Thìn, người nhiều năm liền giữ vai trò chủ tế như bớt được một nỗi lo, ông cho biết: “Người được bà con chọn là chủ tế phải là người có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, kinh tế ổn định, con cái có nếp, có tẻ. Đặc biệt, người đó phải là chủ tàu, thuyền”.
 
Tôi trở lại làng Phú Liên vào sáng hôm sau. Ngày chính lễ, đã nhìn rõ từng khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười của những thuyền trưởng, thuyền viên dạn dày sóng gió. Trong không gian rộn rã của chiêng, trống thảng trong gió mọi người vẫn cảm nhận được những tiếng cười chắc nịch, cái chắp tay hành lễ khỏe khoắn của các tráng đinh đã quen đầu sóng. Để ý tôi nhìn thấy có người đàn ông trạc 60 tuổi, vận quần áo nhà binh đôn đáo chạy đi chạy lại trước cửa đền. Lúc thì châm hương, lúc thì hướng dẫn mọi người đặt lễ. Hỏi ra, đó là ông Nguyễn Ngọc Chắt – Chi hội trưởng Hội CCB thôn Phú Liên. Tan buổi lễ, hỏi chuyện ông Chắt cho biết, khác với mọi người trong thôn, ông không đi biển, cũng không làm nghề dịch vụ biển nào cả. “Nhưng công việc của tôi cũng gắn bó với biển lắm đấy” – câu nói của người đứng đầu tổ chức Hội CCB cơ sở khiến cho bất cứ ai đối diện cũng phải tò mò. Rồi ông Chắt giải thích rằng, Chi hội CCB thôn Phú Liên có 87 hội viên. Thông thường các tổ chức đoàn thể cơ sở rất ít kinh phí để hoạt động, nhưng ở thôn Phú Liên, Chi hội CCB “rất giàu”. Hiện tại quỹ của chi hội có tới 53 triệu đồng. Bắt đầu từ năm 2009, hội đứng ra vay tiền mua lưới về đan ghép thành 1 vàng lưới – còn gọi là rùng vàng (một loại lưới kéo gần bờ), đồng thời đóng một bè nổi. Bằng kinh nghiệm của các ngư dân khi nào thấy nhiều cá vào gần bờ là chi hội đánh kẻng huy động hội viên tham gia kéo rùng, đánh cá. Tùy theo tình hình thực tế, mỗi năm chi hội tổ chức kéo lưới 3 lần, mỗi lần từ 2 – 5 ngày. Cá kéo lên sẽ bán ngay tại chỗ để gây quỹ. Hội viên nào vì lý do nào đó mà không tham gia thì vợ (chồng) hoặc con sẽ phải làm thay. Nếu ngay cả người nhà của hội viên cũng không thể có mặt thì căn cứ vào số tiền bán cá thu được chia cho số người trực tiếp kéo lưới để tính mức bình quân giá trị, người vắng mặt sẽ phải đóng góp cho chi hội mức tiền bình quân tính theo đầu người. Ông Nguyễn Ngọc Chắt chia sẻ: “Tất cả số tiền quỹ của chi hội đều đã giải quyết cho các hội viên vay không lãi suất. Mục tiêu cuối cùng là động viên, khuyến khích anh, chị em xóa nghèo, vươn khơi, khẳng định vị thế của mình trong xu thế mới”.
 
Tôi vẫn tự cho rằng mình đã biết nhiều về thôn Phú Liên, về xã biển Quỳnh Long. Hóa ra những gì mình biết thật khiêm tốn. Ngay như việc năm ngoái tàu của anh Trần Văn Thành bắt được con cá mặt trăng nặng gần 1 tạ hiến cho các nhà khoa học bây giờ tôi mới hay. Và trong nghi lễ cầu ngư năm nay, mọi người trong làng còn đến thắp hương cho phần mộ cá ông (cá voi) được chôn cất ngay trước cửa đền Rết tôi thấy mình thật bỡ ngỡ. Phú Liên vẫn vậy, hồn hậu bình yên và ấm áp. Làng tựa vai vào Hòn Kiến, mặt hướng ra phía Đông với bờ biển cong cong hình cánh buồm. Đúng là hình cánh buồm.
 
Bài, ảnh: Đào Tuấn