(Baonghean) - Trình làng với tinh thần hơi sốt sắng của ngành Giáo dục thuộc một thành phố lớn nọ vừa đưa ra mang tên “Đề án sách giáo khoa điện tử”, có lẽ đã không làm cho ai quá bất ngờ khi nhận được phản ứng nhiều chiều từ phía dư luận.
Hoặc là trực diện, hoặc là vòng vo với những phàn nàn cũng không quá kín đáo, nhưng tựu trung lại phần đông đều có sự mường tượng về một vụ “áp phe kinh tế” nào đó đang được khoác “tấm áo thời trang” có tên giáo dục. Thiên hạ quả là đa nghi! “Không ưa thì dưa có giòi” người ta mổ xẻ đủ thứ, mà hình như đụng chạm đến đâu cũng tòi ra bao câu chuyện, thứ nữa là hầu hết những câu chuyện được quật lên sau nội soi đều ngược chiều với tích cực. Có cả chuyện buồn cười!
Đầu tiên là con số 4000.000.000.000 đồng. Dường như tất cả những bài viết chính luận, rồi cả những ý kiến mang chút màu mè đang râm ran trên các trang mạng đều không bỏ qua dãy số ấn tượng bởi sự dằng dặc này! Đây đó xuất hiện những câu cảm thán, không nhất thiết phải đọc kỹ người ta cũng có thể nhận ra sự ngờ vực hoặc siêu ngờ vực trong đó. Tệ hơn, có người mới chỉ đếm xong 12 con số 0 mà đã để mất kiểm soát cảm xúc đến mức vội vàng trẹo lưỡi gọi đây là “Đề án máy tính bảng!”.
Bốn ngàn tỷ, mở rộng phạm vi quan sát thì đây cũng chỉ mới là con số “móng tay” nếu đem so sánh với quần thể số liệu ở mấy cái tập đoàn Vina... hư vừa rồi. Nó cũng chỉ mới “đủ tuổi” để có thể sánh vai với số tiền mà cô kế toán có dáng người mảnh mai Huyền Như vừa trổ tài làm giả chữ ký trước khi vào tù bóc lịch cách đây mấy tháng. Nhằm nhò gì! Vậy bốn ngàn tỷ là bao nhiêu ư? Xin “hé lộ” nó suýt soát 200 triệu đô la Mỹ! Để tiện cho việc hình dung tôi xin tua lại thông tin trên một số báo, trong tháng 7 vừa qua, nhiều ngôi nhà tình nghĩa đã được trao tặng với giá trị từ 35-40 triệu đồng. Thấy chưa, chỉ 35 triệu đồng là có một căn nhà tình nghĩa ở ngay thành phố. Đến lúc này, chúng ta thử đem cái “Đề án máy tính bảng” (theo cách nói của mấy người “dưa có giòi”) ấy mà đi xây nhà tình nghĩa thì sẽ có đến những 115.000 (một trăm mười lăm ngàn) hộ nghèo có nhà ở. Không hề tệ! Hoặc như một câu chuyện khác, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 539 QĐ-TTg chính thức phê duyệt danh sách 311 xã đặc biệt nghèo trên toàn quốc. Giả như (chỉ giả như thôi) có 4 ngàn tỷ dắt lưng đem đi “giải cứu” thì bình quân mỗi xã “siêu nghèo” này được đầu tư ngót nghét 13 tỷ đồng. Có lẽ cũng đủ để làm mới trụ sở, trường học và trạm y tế cho tất cả các xã này chứ nhỉ? Xin lỗi vì đã làm phiền bạn đọc bằng những so sánh hơi rườm rà, nhưng quả thực tôi đã không tìm được cách gì khác tốt hơn để cùng mọi người hình dung về mức độ hoành tráng của những con số biết... hát này.
Tất nhiên, không thể đem cái cục tiền đồ sộ kia mà chia cho xã nghèo, hay dùng nó để mua gạch táp lô cùng ngói prô-xi-măng đi làm nhà tình nghĩa được. Bởi nó, tức là cái khoản tiền kia (hú vía) vẫn đang nằm trong túi của các bậc phụ huynh khả kính. Và đến thời điểm này thì họ, hoặc đại diện cho suy nghĩ của họ đang nỗ lực “kêu”. Nói một câu cho “vuông” là họ không dại! Chỉ ai không khôn mới nghĩ phụ huynh dại.
Trước hết họ cũng bày tỏ lòng thán phục về sự sáng tạo của “nhóm tác giả” suốt những tháng qua đã ấp ủ, đã trăn trở và tìm tòi để phôi thai nên cái đề án “rất giống Tây” này. Quá hay, quá có lý, quá hiện đại! Những cô bé cậu bé vốn dĩ thiếu can xi triền miên của nhà ta sẽ không còn phải ì ạch cõng cả yến sách đến trường nữa. Đã thế, tụi nó còn vinh dự được tiếp cận với công nghệ thông tin ngay từ “ngày đầu tiên đi học”. Thật hưng phấn khi nghe nói (cũng chỉ nghe nói thôi) tất tần tật mọi thứ từ nay đều được tích hợp trong “quyển” giáo khoa có nút bấm này. Con chúng ta và cả chúng ta sắp sửa bắt kịp xu thế của thời đại. Người ta đang tích cực mở ra lối đi ngang để tức tốc hòa đồng với thế giới văn minh. Bốn ngàn tỷ, nói như một phụ huynh cạnh nhà tôi là: Sài Gòn “máu” thật!
Về lý thuyết nó tốt thế, nó hay thế thì còn chần chừ làm gì? Tôi không thuộc típ người hễ cứ có cái gì mới là giãy nảy. Đất nước mà chả có lấy một trường đại học nào lọt vào tốp 500 của thế giới thì chắc chắn đã đến lúc giáo dục của chúng ta cần lắm một cuộc cách mạng. Mọi sự trăn trở cho đổi thay phải được trân trọng và khuyến khích. Mà quan trọng hơn là phải có lòng tin! Hễ cứ có dự án là sợ người ta “ăn” thì không phải là lối tư duy đàng hoàng của người hiểu biết. Tuy nhiên trong câu chuyện “sách giáo khoa điện tử” này vẫn còn đặt ra những điều mà có thể vì sốt sắng cho một tham vọng lớn nên những người trong cuộc chưa nhận ra? Thứ nhất, nói là thí điểm thì cớ gì mà lại áp dụng bao la như vậy! Sao không đưa vào một trường thử trước đã? Rồi đã lường hết mọi tình huống phát sinh chưa? Ví dụ như một chi tiết nhỏ thôi, đồ điện tử tất nhiên hay trục trặc hỏng hóc, cứ triển khai ào ào như vậy nhỡ nó ốm đau thì lấy đâu ra “bệnh viện điện tử” mà điều trị sách giáo khoa?
Thứ hai, về mặt nguyên tắc, nếu huy động tiền của ai thì nhất thiết phải được đồng ý của kẻ đó (theo quy chế dân chủ mà Chính phủ đã ban hành). Mới đây, trên báo chí, một phụ huynh có con đang là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), còn tỏ ra khá gay gắt: "Việc thay thế sách giáo khoa bằng máy tính bảng ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh và túi tiền của phụ huynh nhưng chúng tôi lại không hề được hỏi ý kiến...”. Phụ huynh là vậy! Họ có quyền lo cho những cái mà người khác còn lo một cách dở dang.
Tuy nhiên, đây là một đề án đang dự thảo. Hy vọng tính ưu việt của “ sách giáo khoa điện tử” sẽ thuyết phục được tất thảy những ông bố bà mẹ “hay lo”. Phải làm cho phụ huynh hiểu, phụ huynh tin thì phụ huynh mới ủng hộ. Còn như phụ huynh quay lưng thì coi như “nhóm tác giả” cầm chắc thất bại. Phải nói là phụ huynh rất nhanh nhạy, rất chính xác, rất khách quan nhưng dẫu sao cũng nên nhớ họ không phải là “điện tử”!
Nguyễn Khắc An