(Baonghean) - Những năm gần đây, các hoạt động giao lưu thực sự trở thành một xu hướng không chỉ phổ biến mà còn hấp dẫn đến mức khó cưỡng lại được. Ai không biết, không thích hay không ủng hộ hoạt động giao lưu đều bị coi là “quê cả cục”.
Chữ “giao lưu” cũng tuột khỏi cửa miệng của bàn dân thiên hạ một cách khá sành điệu. Kiểu như “Chiều bận gì không, anh em gặp nhau giao lưu vài chén”; “Tối qua anh không đi giao lưu với mấy cô mầm non à?”; “Các đồng chí được phân công đi giao lưu chuẩn bị đến đâu rồi? “Công việc của ông xã nhà mình chán lắm, giao lưu suốt ngày!”. Đại ý thế! Rượu bia giao lưu, thể thao cũng giao lưu, văn nghệ giao lưu, hội thảo cũng giao lưu, trưa giao lưu, chiều tiếp tục... giao lưu. Mấy người vui tính sau khi giao lưu cho mặt đỏ tía tai còn đòi cơ quan thanh toán tiền phụ cấp... độc hại! Có đơn vị tuyển người, câu đầu tiên phòng nhân sự phỏng vấn ứng viên cũng là “Em có biết giao lưu không?!” Tất nhiên sẽ là sung rụng nếu cháu nào đó dại dột trả lời là “không”.
Thôi thì phát như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều là “Miếng ngon kề đến tận nơi/ Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham”. Nói gì thì nói, mệt đâu thì mệt chứ giao lưu cũng vẫn là cơ hội được nhảy múa bằng “của trời” nên có “tham” tý tẹo cũng là chuyện thường. Mặt khác, xã hội càng phát triển, xu hướng của cuộc sống hiện đại là hội nhập. Khi người ta bắt đầu chán nản với những thứ đang ngày càng cũ mòn, bong tróc trong ý nghĩ thì việc tìm ra cách để qua lại đâu đó kiếm chút cảm xúc “là lạ” âu cũng là dễ hiểu. Vừa hợp lý lại rất hợp tình. Mà hình như khoa học cũng không chứng minh điều ngược lại!
Hoạt động giao lưu vốn dĩ “lắm chuyện”, có cả những chuyện không nói ra thì cũng bứt rứt mà kể tuồn tuột cho mọi người thì cũng hơi... ngượng. Như là chuyện luật bất thành văn trong tiếp đón chẳng hạn. Giả sử đoàn của tỉnh A có kế hoạch đến đến tỉnh B thì “luật” quy định tỉnh B có trách nhiệm “bấm bụng” tiếp đón (ăn uống, nghỉ ngơi...). Lâu ngày thành quen, ngoài việc bố trí tiếp đón chu tất cho đẹp mặt đơn vị thì cán bộ văn phòng còn có trách nhiệm mở sổ ghi chép theo dõi cụ thể từng đoàn để sau này có cơ hội còn tìm cách “giao lưu” lại! Tất nhiên đến lượt tỉnh B đánh tiếng “đòi” “đáp từ” thì tỉnh A cũng... “chạy đằng trời”.
Cũng có thể từ cái nhu cầu giao lưu đang trên đà phát triển ấy nên lâu nay việc tổ chức hội thảo, tổng kết, tập huấn, liên hoan, thi thố... có xu hướng “xoay trục” về địa phương? Bộ thì về sở, sở thì về huyện, huyện thì về xã, xã thì về... nhà hàng! Ai mà lại phản đối chuyện cán bộ đi đây đi đó để mở tầm nhìn. Việc “di quan” là cơ hội tốt cho mọi người tiếp xúc và tích lũy vốn kiến thức thực tiễn. Ngoài chuyện “được ăn, được nói, được gói mang về” thì cách tổ chức này cũng góp phần “giữ” được người tham dự. Ít nhất về sĩ số, nó cũng không phải chịu thảm họa đầu voi đuôi chuột như những bận “đá trên sân nhà”.
Cái sự nó là như vậy. Cũng chả có gì để nói nếu mọi việc cứ thế mà chạy. Tuy nhiên, chúng tôi còn muốn đề cập đến tình trạng khác nữa là một số đơn vị có trách nhiệm tiếp đón tổ chức nhưng lại tìm cách “ẩy” việc này cho cấp dưới. Bằng những chỉ thị rỉ tai rất “mía lùi” khi thì được “tham gia giao lưu”, lúc thì vinh dự “tiếp khách hộ” và thỉnh thoảng còn được “ủy quyền đăng cai”. Nói cho thật bụng, những bận đầu được “bề trên” a lô giao trọng trách kể cũng sướng. Anh em tíu tít, nam comle, nữ lúc thì áo dài, khi thì váy xống, chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, mà quan trọng nhất là đẹp mặt sếp. Ăn cứ là phải ngon, ngủ cứ là phải sang, đi lại cứ phải là an toàn, tất nhiên cái khoản chúc rượu phải có phương án bố trí “các em” uống nhiệt tình, bao giờ khách “đứt” mới gọi là hoàn thành trọng trách!
Chỉ có điều, nếu cứ với nguyên tắc “mọi cuộc vui đều kết thúc bằng một chầu karaoke” thì ai mà chả muốn được ủy quyền. Cái quan trọng, mấu chốt cuối cùng là những cái hóa đơn thanh toán. Ai sẽ là người méo mặt ở lại sau cùng? Tất nhiên bao giờ đến công đoạn này thì các anh các chị bên “cơ quan chủ quản” cũng cài quai dép “rút sớm” chứ làm gì có chuyện “về với đội của em”! Đơn độc, hoa mắt, ấy là tâm trạng của những người gánh trọng trách thanh toán hộ cho bề trên. Tiếp thì vui, tiêu pha thì miễn... tiết kiệm, trong lúc đó quy định về chế độ tài chính (nhất là với những đơn vị thụ hưởng ngân sách) thì kín như bưng. Thành thử cũng khổ thân mấy bác cán bộ phòng hành chính, suốt ngày chế biến hồ sơ thanh toán với chồng giấy “tên tôi là” hoa cả mắt.
Nguyên tắc khách ai kẻ ấy tiếp bị phá vỡ bởi những người “vừa khun vừa có quyền”. Đơn vị được “chọn mặt gửi... giao lưu” cũng tối thiểu phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn: một là biết “ăn nhởi”, hai là có “đồng ra đồng vào” và ba là ít “cãi”. Tôi có ông bạn làm chủ tịch thị trấn ở một huyện ven Hà Nội. Có lần đồng chí phó chủ tịch huyện a lô “Em à, em ơi, huyện ta vinh dự có đoàn đại biểu ban chỉ đạo “chống lãng phí” về thăm và làm việc. Anh bố trí về chỗ mình nhé.”. Với kinh nghiệm của người hơn một lần nhận vinh dự kiểu này bạn tôi trả lời. “Dạ, đoàn cứ làm việc trên huyện, trưa cho phép thị trấn mời cơm”. Vị phó chủ tịch huyện nọ cười “Em chỉ được cái hiểu huyện”.
Thôi thì trăm sự nhờ huyện, xã tiếp khách cho huyện cũng là phải đạo. Chỉ cần bữa sau huyện “nhớ” cho là được. Sợ nhất là “Huyện về huyện nói huyện thương, huyện ra đến đường huyện lại quên ngay”. Thế thôi.
An Khánh