(Baonghean) -Nhân mấy hôm trời mưa, mình ngồi nhà lê la tán chuyện với 2 bà chị gái. Bà chị đầu năm nay con vào đại học, than thở:
- Trong nhà có anh "dính" vào đại học là phải lo trăm đường. Khi chưa thi, lo. Thi xong rồi, lo. Có kết quả rồi, lo. Thu xếp được nhà cửa, xe cộ cho ngoài Hà Nội rồi, chỉ việc ra học thôi, vẫn lo! Sắp tới được nghỉ lễ mồng 2-9 tận 4 ngày, thế mà không hiểu sao trường bắt ra nhập học. Cháu nó ra được mấy ngày rồi lại về mồng 2-9, vé tàu xe khó hơn lên trời! Chị phải mua vé máy bay cho nó, đúng là có con học đại học, nhà liệu mà bán bò, bán trâu!
Bà chị sau không chịu kém cạnh, tuôn luôn một tràng, rất bức xúc:
- Thi đại học đậu là đậu, trượt là trượt, cầm được tờ giấy báo là cầm chắc cái ghế trên giảng đường rồi. Nào có như các cháu lớp 1, muốn học lớp chọn phải xếp hàng từ phòng bảo vệ cho đến phòng hiệu trưởng. Bé Còi nhà chị "bon chen" lắm mới xin được một suất lớp chọn. Ai đời lớp thường có 30 học sinh, lớp chọn tận 60 cháu. Ngồi chật ních, nhưng có nhà nào chịu chuyển lớp cho con đâu? Khổ nỗi, phải chọn lớp, chọn cô cho con ngay từ lớp 1 thì lên lớp 2, 3, 4, 5 mới được vào lớp các thầy cô giỏi. Thế cũng còn chưa yên tâm, năm nào trước kỳ khai giảng, các bố mẹ cũng phải dò la xem nhân sự có gì thay đổi không, nhỡ đâu phụ huynh tính không bằng trường tính, xôi hỏng bỏng không!
Mình ngồi nghe, im thin thít vì thấy học đường của các cháu bây giờ sao mà ác liệt hơn cả chiến sự Iran, Iraq. Do ai mà ra, mình thiết nghĩ như sau:
Thứ 1, hiển nhiên nhà trường chịu một phần trách nhiệm. Nhất là việc xếp lịch nhập trường cho các cháu một cách rất không phù hợp. Kỳ nghỉ lễ mồng 2-9 và ngày tựu trường truyền thống mồng 5-9 vốn dĩ rất gần nhau rồi, nhập trường sớm mấy ngày cũng không giải quyết được vấn đề gì, mà muộn mấy ngày thì cũng chẳng chết ai. Thế mà các trường đồng loạt cho nhập trường ngay trước kỳ nghỉ lễ, khiến các em phải đi đi, về về. Đi tàu, xe vào kỳ nghỉ lễ đã đông, nay càng đông hơn: vừa lãng phí, vừa bất tiện cho các em, lại vừa tăng nguy cơ tai nạn giao thông vì quá tải. Giá như các trường linh động hơn, bám sát với lịch làm việc cũng như điều kiện của các em sinh viên thì tốt hơn nhiều.
Về phía phụ huynh, rất xin lỗi nhưng mình không thể đồng tình với bà chị mình, hay bất kỳ vị phụ huynh nào đành lòng nhồi con em vào cái "lò mổ" sỹ số 60 ấy. Nói khái quát hơn, mình cho rằng, cái suy nghĩ chọn thầy, chọn cô khá là viển vông và thiếu văn hoá. Viển vông ở chỗ, nếu chỉ bàn về chương trình phổ thông thì việc chọn thầy cô thật giỏi liệu có giống việc lấy búa tạ ra để đập kiến? Việc so kè, không chịu cho con học người này, người kia, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người thầy, người cô, cũng là sự thiếu văn hoá của người vác bồ đi xin chữ.
Kết lại, tất cả những bất cập, bất tiện trong giáo dục (ở đây mình đang bàn về chuyện bên lề chứ không bàn về chương trình giáo dục), chỉ do tính toán mà ra. Nhà trường thì không chịu tính toán sao cho tiện nhất, có lợi nhất cho học sinh và phụ huynh. Phụ huynh thì tính toán nhiều quá, cuối cùng vẫn thiệt con mình, thiệt cả cho nhà trường khi phải ôm đồm những lớp học "quá cỡ". Tóm lại, toàn người lớn tính mà kết quả sai thì con trẻ phải chịu, dù ngày ngày các con vẫn chăm chỉ học chính, học phụ miệt mài. Thương lắm các con ơi!
Hải Triều