(Baonghean) - Chừng mươi năm lại nay, khi cuộc sống có chút hương vị của văn hóa hưởng thụ thì một bộ phận người bắt đầu ra nước ngoài. Có điều kiện thì đi Mỹ, đi châu Âu, đi Úc, đi Nhật Bản, “mèng” cũng cứ phải là Thái Lan, Singapore… Đi thì cũng tốt thôi, đi để giãn cái thước nhìn, để học hỏi, đi còn là dịp góp sức “gia cố” ngành du lịch. Tóm lại là bỏ phiếu ủng hộ.
Điểm chung dễ nhận ra ở một số người vừa đi nước ngoài về ấy là hay khoe, thích so sánh và khoái chê. Mà nhất là chê, chê bạt mạng! Tọt khỏi biên giới ít bữa về là bắt đầu giở giọng chê chuyên nghiệp. Phổ biến nhất, hả hê nhất, chì chiết nhất ấy là bôi bác những tật xấu của người Việt. Phán tựa Thánh tướng! Nói cứ như thể không còn là người Việt ấy!
“Úi giời ôi, sang bên nớ mà coi, họ viết cảnh báo ăn tham bằng tiếng Việt. Thấy món tự chọn là lấy lấy lấy, nhét nhét nhét, như cả đời chưa được ăn, thừa mứa ra. Xấu lắm, ngượng lắm”. Kẻ khác lại tranh thủ hát bè “Úi giời ơi, vậy ăn thua chi, bên Nhật cảnh báo ăn cắp vặt cũng chỉ bằng tiếng Việt” . Và rồi, “Úi giời ôi, tớ thấy nhiều nước ở sân bay còn có lối riêng cho người Việt làm thủ tục nhập cảnh vì sợ bị chen ngang. Khổ chưa!”. Sau màn “Úi giời ơi” là so sánh. Hễ đụng đến cái gì là liên hệ ngay ra nước ngoài “Ta thế này… chứ bên kia thì…”. Thậm chí bác nọ đi ăn sáng còn phàn nàn “Xôi mình chán quá, xôi bên Lào dẻo quẹo”. Anh kia còn cao hứng đến mức “nổ”, phở bên Đài Loan ngon hơn phở Hà Nội. Đúng là hết lời bình!
Người Việt xấu thật ư? Chỉ vì một vài “con sâu” chưa kịp thoát ra khỏi cái văn hóa tiểu nông mà vùi dập danh tiếng của cả chín chục triệu người Việt thì quả là phiến diện, nếu không nói là vô trách nhiệm. Tôi, tác giả bài viết này, cũng đã từng đi nước ngoài, tôi không lãng phí đồ ăn, tôi không xả rác xuống đường, tôi cũng không ăn cắp vặt… hàng triệu người Việt đã và đang sinh sống ở khắp hành tinh này cũng vậy. Những người Việt “xấu xí” không phải là không có, nhưng chắc chắn đó là số ít, rất ít, càng ngày càng ít! Chúng ta phải thay đổi, chúng ta không dung dưỡng cho cái xấu. Nhưng nếu ai đó đang tiêu hóa sự rảnh rỗi bằng tự cho mình đứng ngoài cuộc để chê bai, nhiếc móc, rồi cười mỉa thì cũng chỉ giỏi làm tình hình thêm xấu đi một cách không chậm chạp mà thôi. Tranh luận về chuyện này, một nhân vật thuộc trường phái bảo thủ cho rằng “Có răng thì nói răng, không có răng thì phải nói sún chứ!”. Ừ thì có răng nói răng! Thế mấy “cụ” đang khoe chuyến xuất ngoại bằng cách nói “sún” ấy đã bao giờ nghe du khách nước ngoài đang sinh sống trên nước mình nhận xét về con người Việt Nam chưa nhỉ? Những phẩm chất cần cù, chịu khó, thông minh, tình cảm, hiếu học, đoàn kết, yêu nước, tương thân tương ái, đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc vẫn còn chứ bạn? Tôi nghĩ chỉ có nhổ nước bọt lên cái xấu không phải là sự lựa chọn thông minh cho nỗ lực thay đổi. Đi cùng với lên án cái xấu là khích lệ và phổ biến cái tốt. Nước ngoài họ cũng làm thế đấy!
Hãy nghe nhiếp ảnh gia 32 tuổi, Nishizawa Tomoko người Nhật, nhật xét “có răng nói răng” đây này: “Người Việt Nam thân tình và cơm Việt Nam ngon! Chỗ nào chụp vào ảnh cũng đẹp như tranh! Tôi vốn đã thích nước Pháp, đến Việt Nam này lại cảm thấy được hương vị Pháp rất tự nhiên ở nhiều nơi. Tôi cho rằng ưu điểm này thì các nước khác ở Á châu không thể nào có được. Có lẽ chỗ tốt vẫn là người Việt Nam thân tình, cứ thấy ai gặp khó khăn là thế nào cũng giúp đỡ. Cái xấu là xả rác vào môi trường”. Một lời nhận xét không hề vội vàng.
Cuối tuần, lai rai với mấy người bạn cũ, một cậu vừa đi Singapore về cứ oang oang “Tớ bị phen bẽ mặt! Ở nhà hàng, người ta ăn uống nhỏ nhẹ, lịch sự, trong lúc dân Việt ta cứ kéo rượu ra chúc tùm lum, còn hò hét om sòm”. Vừa dứt lời, cậu ta đưa cốc bia đang sủi bọt lên chạm với những người xung quanh và dõng dạc tuyên bố “Bữa ni không say không về. Nào, một hai ba, dô! Hai ba, dô! Hai ba, uống!”. Thế đấy, xin phép “sún” một câu cho mấy người này tật xấu nữa là, nói một đàng làm một nẻo”.
Nguyễn Khắc An