Chỉ học nghề “miễn phí”
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc năm nay có 200 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này trường chỉ tuyển sinh được 140 chỉ tiêu. Số lượng chỉ tiêu năm 2020 cũng thấp hơn năm trước 50 em. Việc không tuyển đủ chỉ tiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên nhà trường bởi việc cấp ngân sách hoạt động phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh hàng năm.
Ông Lương Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù Nghi Lộc là địa bàn khá rộng nhưng việc tuyển sinh không thuận lợi bởi nằm cạnh nhiều trường dạy nghề có quy mô của tỉnh. Trong đó, nếu học sinh ở những xã ven thành phố, thường sẽ có xu hướng học nghề ở Vinh.
Đại diện nhà trường cũng thừa nhận việc tiếp cận giữa trường nghề và các trường học trên địa bàn chưa được thường xuyên nên hàng năm chưa rà soát và nắm bắt đầy đủ số học sinh phân luồng, số học sinh có nhu cầu học nghề. Ngay như số học sinh đang học tại Trung tâm GDTX của huyện cũng không mặn mà với việc học nghề tại trường, dù rằng khoảng cách giữa 2 đơn vị là khá gần.
Tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An đến thời điểm này việc tuyển sinh vào các lớp trung cấp đã cơ bản hoàn thành. Để đạt được chỉ tiêu đã khó nhưng để giữ chân được học trò đã khó hơn. Hiện, theo tổng hợp của nhà trường, mỗi năm có gần 20 học viên học nghề đã bỏ học với các lý do như chán học, bị rủ rê đi làm hoặc không định hướng được công việc rõ ràng dù đã học nghề.
Ngoài ra việc tuyển sinh cũng chỉ thực hiện được với những học sinh được miễn phí học nghề; còn lại dù mỗi năm nhà trường chỉ có khoảng 40 chỉ tiêu “kinh phí tự túc” nhưng gần như chưa năm nào tuyển sinh được học sinh. Ông Nguyễn Nhật Quang - Trưởng phòng đào tạo của nhà trường cũng cho rằng: “Thường để tuyển một học sinh học nghề chúng tôi phải mở rộng địa bàn lên đến huyện Đô Lương.
Trong quá trình tuyển sinh, giáo viên phải đến nhà học sinh từ 4 - 5 lần mới có thể tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tuy nhiên, khi các em đã chán học thì việc vận động quay trở lại rất khó khăn. Bất cập hiện nay là nhiều phụ huynh chưa có nhận thức được việc học nghề nên không định hướng được cho con về nghề nghiệp. Do đó, có rất nhiều trường hợp, các em nhập học xong chúng tôi phải tiếp tục tư vấn, giới thiệu các ngành nghề để các em lựa chọn”.
Ở các huyện miền núi, việc tuyển sinh học nghề hiện cũng rất khó khăn, dù rằng các giáo viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh tới trường. Ông Bùi Hoàng Báu - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quỳ Châu cho biết: “Từ hơn hai năm nay chúng tôi phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp tuyển sinh hệ trung cấp đối với học sinh thuộc diện phân luồng và học sinh đang học THPT trên địa bàn.
Thế nhưng, phương án này chỉ nhận được sự hưởng ứng của học sinh đang học tại Trường THPT Quỳ Châu với hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa. Còn lại, dù mỗi năm qua, khảo sát của chúng tôi năm nào Quỳ Châu cũng có hàng trăm học sinh học hết lớp 9 là nghỉ nhưng vẫn không tuyển sinh được. Hiện toàn trung tâm chỉ có 33 học sinh của ba khối 10, 11, 12. Như năm nay, huyện Quỳ Châu có khoảng 850 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong số này chỉ có khoảng 600 học sinh học lên lớp 10, 250 học sinh còn lại chúng tôi đến nhà tất cả các em nhưng cuối cùng năm vừa rồi chỉ tuyển được 5 em lên học hệ GDTX và vận động đi học nghề trung cấp”.
Trên địa bàn tỉnh hiện 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong số này có 3 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động - TB và XH lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ, với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ Khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia.
Để khuyến khích đào tạo nghề, mỗi năm Nghệ An trích hàng chục tỷ đồng để cấp kinh phí cho các chỉ tiêu đào tạo. Riêng năm 2020, đã cấp kinh phí để đào tạo nghề cho hơn 11.000 chỉ tiêu với hơn 1.700 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, gần 5000 chỉ tiêu trình độ trung cấp và hơn 4.600 chỉ tiêu trình độ sơ cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đặt hơn 3.100 chỉ tiêu cho các nhà trường đào tạo tự túc kinh phí.
“Lượng” nhiều nhưng “chất” chưa đảm bảo
Mỗi năm nguồn tuyển sinh đào tạo nghề của Nghệ An khá lớn khi có gần 20% học sinh THCS được phân luồng đi học nghề (với khoảng 8000 học sinh lớp 9). Cùng với đó, Nghệ An có gần 40% học sinh THPT không đăng ký tuyển sinh vào đại học (gần 10.000 học sinh lớp 12).
Tuy vậy, những năm qua, chỉ một số trường nghề làm khá tốt công tác tuyển sinh. Một phần nguyên nhân là các trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người học, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhất là đội ngũ giáo viên.
Tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, dù hiện nay trường có gần 500 học sinh đang học 4 ngành nghề là Điện dân dụng, Hàn, Thú y và May thời trang nhưng số giáo viên chỉ đáp ứng được khoảng 70%, nhiều ngành nghề trường phải thuê giáo viên thính giảng từ các trường khác về để đào tạo.
Ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc, vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh đang ngày một giảm có một phần nguyên nhân lớn từ giáo viên. Cụ thể, dù hiện tại trường có 12 lớp học nghề ở 7 ngành, nghề với khoảng 400 học sinh nhưng đội ngũ giáo viên của trường chỉ có 7 người, trong đó nghề động lực sửa chữa ô tô có 3 giáo viên, nghề hàn có 1 giáo viên và nghề điện có 3 giáo viên. Do thiếu giáo viên nên hiện nay, trường đang phải thuê giáo viên thỉnh giảng từ các trường khác. Vì không đủ giáo viên nên hiện nay toàn bộ nhân viên nhà trường đều phải “đôn” lên để làm chủ nhiệm lớp, thậm chí có người cùng lúc chủ nhiệm đến 2 lớp.
Cá biệt hơn, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quế Phong dù đã sáp nhập được gần 3 năm và cùng thực hiện chức năng dạy văn hóa và dạy nghề nhưng hiện nay không có bất cứ một giáo viên dạy nghề nào. Vài năm trở lại đây, dù trung tâm có kế hoạch phối hợp tuyển sinh hệ trung cấp nghề nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn và không khả thi.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Đào tạo nghề - Sở Lao động Thương binh và xã hội cũng cho biết: Hiện chất lượng lao động sau đào tạo của một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và thị trường sử dụng lao động. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu, không đồng bộ, lạc hậu….
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, cơ cấu chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường nghề. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề giữa các trường còn chồng chéo, bố trí chưa hợp lý, chỉ tập trung vào một số nghề trọng điểm. Do đó, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong quá trình tuyển sinh “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các trường nghề.
Đồng thời, sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, quyền lợi giữa lao động có tay nghề và chưa có tay nghề đang được “đánh đồng” trong việc chi trả lương ở nhiều đơn vị khiến nhiều lao động không mặn mà với việc học nghề.