Những bộ hồ sơ tồn đọng 20 năm
Bà Đào Thị Liên ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), từng là cựu TNXP tham gia trên các tuyến đường từ Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn. “Hồi đó chỉ cần có thông báo là chúng tôi hồ hởi lên đường, ra đi thậm chí chỉ kịp chào cha mẹ một câu rồi đi mà chẳng biết sống chết ra sao. Trong những tháng ngày ác liệt trên tuyến đê 42 đoạn qua huyện Hưng Nguyên, chúng tôi nhiều lần cảm nhận sự sống và cái chết trong gang tấc, là khi chạy vội vào hầm trú ẩn, là khi quả bom nổ sát ngay chỗ hầm khiến chúng tôi ngất đi, nhiều đồng đội hy sinh bên mình.
Thế nên, khi được về nhà sau những ngày bám đường, tôi và các đồng đội đã thấy vô cùng may mắn, chứ không hề nghĩ đến chuyện sẽ làm hồ sơ để được hưởng những chính sách của Đảng, Nhà nước sau này.
Cho đến những năm 2000 chúng tôi được thông báo kê khai và hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chính sách thương binh, lúc đó thủ tục chỉ cần có 2 người làm chứng và có lý lịch Đảng, Huy chương Kháng chiến, thẻ TNXP và bản khai là hoàn chỉnh. Nghĩ chắc chắn sẽ được thông qua nên tôi và nhiều anh chị em khấp khởi chờ đợi”, bà Liên chia sẻ.
Sau vài năm chưa thấy hồi âm, bà Liên và nhiều đồng chí của bà đã lên Hội Cựu TNXP của huyện để nắm bắt tình hình thì được hướng dẫn phải bổ sung thêm hồ sơ lý lịch hợp lệ của người làm chứng, đồng thời là bản lý lịch kê khai hợp lệ theo Thông tư 17/2004/ TT-BLĐTBXH ngày 17/11/2004 về việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với thương binh và những người được hưởng chính sách như thương binh. Tuy nhiên, nhiều người lại không thể bổ sung, vì theo họ thời gian đã qua lâu, đơn vị cũ đã giải tán. Thế là họ lại tiếp tục chờ đợi cho đến nay.
Theo bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội TNXP huyện Quỳnh Lưu, trước đây huyện có 39 bộ hồ sơ nhưng nay qua sàng lọc và bổ sung theo các điều khoản yêu cầu tại Thông tư 17/2003/TTLT-BLĐTBXH-TƯ Đoàn Thanh niên CSHCM và Quyết định 408 thì chỉ còn 22 bộ hồ sơ hợp lệ.
“Đa số những người này đã trên dưới 70 tuổi, có đồng chí đã 80 tuổi, họ chờ đợi hồ sơ tới gần 20 năm và trong số này nhiều người đã bỏ cuộc vì không thể tìm đủ các giấy tờ để bổ sung vào hồ sơ. Tuy nhiên, theo các yêu cầu của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, e rằng cũng không có mấy người được xét duyệt để hưởng chính sách”, bà Nguyệt cho biết.
Ở huyện Nghi Lộc, nơi trước đây có tới 82 bộ hồ sơ được cho là tồn đọng qua các thời kỳ, đến nay chỉ còn 29 bộ tồn đọng và 2 bộ hồ sơ xét thường xuyên theo Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013. 2 bộ hồ sơ đó là của bà Cao Thị Phương ở xã Nghi Phương và bà Võ Thị Vinh ở xã Nghi Long.
Bà Cao Thị Phương gia nhập lực lượng TNXP từ tháng 2/1968 đến tháng 2/1975 ở đơn vị XK 302 - P27 thực hiện nhiệm vụ làm đường và san lấp hố bom để xe đi qua tại vị trí cầu Cấm trên tuyến QL 1A, bị thương khi làm nhiệm vụ. Bà đã có giấy chứng thương do Tổng Đội TNXP Cù Chính Lan tỉnh Nghệ An cấp ngày 10/2/1975. “Đây là trường hợp chúng tôi cho rằng bà sẽ được hưởng chính sách thương binh, vì có giấy tờ đầy đủ. Nhưng không hiểu tại sao hồ sơ của bà vẫn còn tồn đọng đến nay”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc cho biết.
Cũng theo ông Dũng, 29 bộ hồ sơ tồn đọng qua các thời kỳ nay được bổ sung để giải quyết chế độ như thương binh cho các cựu TNXP, số hồ sơ này đều không có giấy chứng thương theo yêu cầu được quy định tại Quyết định 408 về giải quyết hồ sơ tồn đọng cho thương, bệnh binh, thế nên để được xét duyệt là rất khó.
Tiếp tục chờ?
Ông Hoàng Ngọc Châu - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH cho biết: “Trong quy trình xét duyệt xác nhận thương binh đối với người tham gia TNXP, những hồ sơ đầy đủ là những hồ sơ có các giấy tờ có tính pháp lý theo quy định của các văn bản quy định tính thời điểm lập hồ sơ đề nghị. Ví dụ như Hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh theo Thông tư 17/2003/TTLT – BLĐTBXH – TƯ Đoàn Thanh niên CSHCM quy định là phải có một trong các giấy tờ cũ chứng minh là TNXP: Thẻ đội viên; giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ ở TNXP; giấy khen; lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên có ghi là TNXP. Còn hồ sơ có thể hoàn thiện là những hồ sơ còn thiếu một trong giấy tờ chứng minh đã tham gia TNXP cần phải bổ sung để được xem xét. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay có khoảng 60% cựu TNXP về địa phương lấy chồng sinh con, vì hoàn cảnh gia đình con cái không có ai đi công nhân, vì vậy, không có hồ sơ lý lịch của cá nhân hoặc chồng con để bổ sung vào hồ sơ, nên nhiều người vẫn còn lúng túng trong việc bây giờ lấy giấy tờ hợp lệ nào để bổ sung thay thế”.
Theo Văn bản số 328/HD-BCĐXNNCC ngày 12/6/2017 về hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công của Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh Nghệ An, hồ sơ có thể hoàn thiện để xem xét, giải quyết là hồ sơ thiếu một số giấy tờ, thủ tục theo quy định nhưng có thể hoàn thiện bổ sung để được công nhận. Đối với hồ sơ này phải làm rõ cần bổ sung những loại giấy tờ nào, do cơ quan nào cấp hoặc cần xác minh những điểm gì hồ sơ để có thể kết luận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện xác nhận giải quyết.
Theo Công văn 757/SLĐTBXH-NCC ngày 15/3/2019 của Sở LĐ-TB&XH về việc Hướng dẫn thực hiện việc giải quyết hồ sơ TNXP tồn đọng đề nghị xác nhận người hưởng chính sách, như thương binh thì đối với những trường hợp bị thương thuộc diện được xem xét nhưng do hồ sơ thủ tục chưa hoàn chỉnh thì hướng dẫn bổ sung hoàn thiện trước khi áp dụng quy trình của Quyết định 408. Thế nhưng, theo Quyết định 408, để được giải quyết chế độ là thương binh cho người tham gia TNXP bị thương khi làm nhiệm vụ, cần bổ sung một trong các giấy tờ, hồ sơ có ghi nhận là thương binh hoặc bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu như: gồm lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, hồ sơ hưởng BHXH hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác được cấp khai trong thời gian tham gia TNXP. Trường hợp bị thương mà cá nhân người bị thương không có lý lịch để bổ sung thì bổ sung lý lịch của vợ (chồng), con (nếu có).
Về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng –-Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc nêu quan điểm: “Đây là điều kiện quá khó để những bộ hồ sơ tồn đọng có thể bổ sung được, vì nếu có đầy đủ những giấy tờ trên thì đối tượng bị thương là TNXP đã có thể thực hiện xét duyệt chế độ thương binh theo Thông tư 28/2013/TTLT – BLĐTBXH – BQP ngày 22/10/2013 về quy định xét hưởng chế độ thương binh cho những người tham gia kháng chiến bị thương, được xét duyệt thường xuyên kể từ thời điểm ban hành”.
Tới thời điểm này, nhiều huyện đang tiến hành việc khám nghiệm vết thương thực thể để hoàn thiện hồ sơ cho các TNXP gửi về Cục Người có công chờ thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thì với các quy định hiện hành, các hồ sơ xét duyệt chế độ thương binh cho đối tượng là TNXP sẽ rất “khó lọt”. Vậy nên, những bộ hồ sơ tồn đọng từ gần 20 năm nay có nguy cơ tiếp tục phải bổ sung các giấy tờ cần thiết theo quyết định hiện hành.