Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.


bna_toan_canh4661678_1182020.jpgToàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng
Gần 50 tỷ đồng đào tạo nghề cho nông thôn

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người lao động, gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 206.698 lao động nông thôn.

Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách Đề án 1956 là 26.345 người, riêng Đề án 5222 là 23.712/40.000 người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả tỉnh từ 48% (năm 2015) lên 55% (năm 2020). 

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái ở Nghệ An. Ảnh tư liệu của Xuân Hoàng

Hình thức đào tạo được tổ chức linh hoạt và đa dạng như: Đào tạo chính quy; đào tạo tại các cơ sở dạy nghề; đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản với 10 nhóm nghề chủ yếu như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ, chế biến hải sản, trồng nấm...

Hàng năm, tỷ lệ học viên trung cấp nghề tốt nghiệp đạt trên 95%. Có khoảng 70-80% số lao động sau đào tạo có việc làm và có thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng và công nhận thêm được 26 làng nghề (đạt 100% so với chỉ tiêu quy hoạch). Đưa tổng số làng nghề toàn tỉnh tính đến nay có 165 làng.

Tại hội nghị, đã có 4 tham luận của đại diện một số chính quyền địa phương, làng nghề trên địa bàn tỉnh, bày tỏ những hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tới cho phù hợp hơn.
Đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế thị trường lao động
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề theo Đề án 5222 vẫn còn một số hạn chế: Công tác lựa chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Công tác xã hội hóa trong thực hiện đào tạo nghề còn thấp. Nhận thức của Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ...  
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

Xác định nhiệm vụ đào tạo nghề là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm hàng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền..., vì thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, các trường dạy nghề, các HTX, doanh nghiệp quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ chính. Các sở, ngành như: Lao động Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Liên Minh HTX cần chuyển mạnh đào tạo nghề từ theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX, doanh nghiệp... để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm TTCN, làng nghề. Làm cơ sở vững chắc thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 8 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Xuân Hoàng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan, tham mưu xây dựng “Đề án đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho các HTX, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025”, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Tại hội nghị, UBND tỉnh trao Bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, thực hiện đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển TTCN, làng nghề trên địa tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.